Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/09/2023. Ông Phan Thế Tuấn đề nghị các địa phương trong vùng thúc đẩy liên kết khu vực động lực, các chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm. Trong chiến lược tổng thể về liên kết vùng, ngoài các vấn đề về liên kết giao thông, cần hướng đến định hướng phát triển vùng động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận.
Tận dụng lợi thế vị trí, hạ tầng
Cụ thể, theo ông Tuấn, những năm qua, tỉnh Bắc Giang có lợi thế lớn về vị trí khi nằm trên hành lang kinh tế lớn nhất Vùng: Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng và cũng đồng thời nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội (cách Thủ đô, Sân bay Quốc tế Nội Bài của Việt Nam 50 Km- khoảng 01 giờ xe chạy).
Đồng thời là cửa ngõ “kép” – cách biên giới Việt – Trung (cửa khẩu Quốc Tế Hữu Nghị – tỉnh Lạng Sơn) 110km – khoảng 2 giờ xe chạy, gần cảng biển Quốc tế Hải Phòng, Quảng Ninh (khoảng 140 km), hệ thống giao thông kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không đồng bộ, rất thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, thương mại với khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển khá toàn diện và năng động, luôn là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GRDP, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 19,3% đứng thứ 2 cả nước.
9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 12,04%, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 có sự cải thiện vượt bậc, đứng thứ 2/63 tỉnh thành; thu hút đầu tư FDI luôn duy trì nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, riêng 9 tháng năm 2023 đứng thứ 4 cả nước; là điểm đến hấp dẫn của đầu tư.
Với định hướng đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh đã quy hoạch đến năm 2030 có 29 khu công nghiệp và 63 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000ha.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Bắc Giang đã quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Ngoài ra, là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp; khí hậu bốn mùa đặc trưng, ít chịu tác động bởi thiên tai, thuận lợi cho sinh trưởng các loại cây trồng, vật nuôi.
Tỉnh hiện có khoảng 300 nghìn ha đất nông nghiệp; cây ăn quả phong phú, đa dạng và có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng với 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, 155 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (đứng thứ đứng thứ 7 cả nước).
Đặc biệt, Bắc Giang được biết đến là “thủ phủ vải thiều” của Việt Nam, với chất lượng vượt trội và vùng trồng chuyên canh lớn nhất cả nước (trên 28.000 nghìn ha).
Đẩy mạnh liên kết Vùng
Tuy nhiên, về thực tiễn phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua, ông Tuấn thẳng thắn nhìn nhận liên kết nội vùng và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn chưa thực sự hiệu quả, không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.
Để khắc phục những hạn chế này, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, ngày 19/8/2023 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Phía Bắc tại Quyết định số 975/QĐ-TTg do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Chủ tịch hội đồng.
Ông Tuấn đề xuất Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp, đặc biệt đối với những dự án nhỏ nhưng nằm trên địa bàn 2 tỉnh.
Thứ hai, đề nghị Trung ương và các địa phương trong vùng chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển hạ tầng giao thông với phát triển các hàng lang kinh tế vùng, nhất là hành lang kinh tế Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng gắn với đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn; hành lang Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên; hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; hành lang Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn.
Thứ ba, đề nghị các địa phương trong vùng thúc đẩy liên kết khu vực động lực, các chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm. Trong chiến lược tổng thể về liên kết vùng, ngoài các vấn đề về liên kết giao thông, cần hướng đến định hướng phát triển vùng động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận.
Trong đó dựa trên các điều kiện phát triển, có thể xác định chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô, hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế – đô thị vùng tạo động lực phát triển cho cả vùng với các đô thị động lực, như thành phố Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình. Gắn khu vực động lực tăng trưởng với các khu kinh tế cửa khẩu, gồm Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Lào Cai.
Đồng thời, định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang tầm quy mô vùng như các chuỗi sản xuất công nghiệp, liên kết các địa phương trong vùng nhằm hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, sinh thái giữa các địa phương trong vùng. Chú trọng tạo sự liên kết trong phát triển đô thị và nông thôn, gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
Thứ tư, đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với kinh nghiệm quốc tế sâu rộng quan tâm nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ các địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, qua đó xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu bền vững theo đúng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 81/2023/QH15.
Đồng thời, tích cực tư vấn, hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thành phần kinh tế, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng.
Thứ năm, tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tiến tới tạo sự liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp trong vùng cũng như doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phát huy vai trò cầu nối giữa các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp các tỉnh trong việc tổ chức gặp gỡ, xúc tiến đầu tư, thương mại cũng như tổ chức các diễn đàn với quy mô khu vực trở lên tạo không gian cho các doanh nghiệp, doanh nhân giao lưu trao đổi, hợp tác để cùng nhau phát triển.