Thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu: Cần lộ trình giãn cách dài hơn

08:31 - 21/08/2024

Đề xuất mức thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn và lộ trình tăng dài hơn với bia rượu nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) được soạn thảo với sự đầu tư công phu và kỹ lưỡng bao gồm những thay đổi được đề xuất đã qua đánh giá toàn diện và chi tiết với mục tiêu của chính sách thuế TTĐB trong việc định hướng tiêu dùng và quản lý kinh tế vĩ mô.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu: Cần lộ trình giãn cách dài hơn

Ngành đồ uống có cồn là một lĩnh vực nhạy cảm, có mối liên hệ mật thiết với nhiều khía cạnh của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, ngành đồ uống có cồn là một lĩnh vực nhạy cảm, có mối liên hệ mật thiết với nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Do đó, để góp phần hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là đối với ngành đồ uống có cồn, một ngành kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng cần có lộ trình áp dụng thuế TTĐB phù hợp để phát huy hiệu quả và giảm tác động tiêu cực tới doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Vai trò Thuế TTĐB trong điều tiết vĩ mô

Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, được áp dụng đối với một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể mà Nhà nước xác định cần có sự điều tiết đặc biệt về sản xuất và tiêu dùng. Với cách hiểu như vậy, thuế TTĐB có các đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, thuế TTĐB thuộc loại thuế gián thu. Thuế TTĐB được cấu thành trong giá bán hàng hoá, dịch vụ do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, dịch vụ. Người nộp thuế TTĐB là người sản xuất hàng hóa, người nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB và người cung ứng dịch vụ chịu thuế TTĐB. Người chịu thuế TTĐB là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Thứ hai, thuế TTĐB là thuế tiêu dùng một giai đoạn. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, việc áp dụng thuế TTĐB một giai đoạn có thể khác nhau. Tại Việt Nam, thuế TTĐB chủ yếu được áp dụng ở giai đoạn sản xuất hoặc nhập khẩu. Ví dụ, đối với các sản phẩm rượu, bia, thuế TTĐB được áp dụng ngay từ khâu sản xuất, với mức thuế suất 65%. Điều này giúp nhà nước dễ dàng quản lý và thu thuế, đặc biệt khi các sản phẩm này thường có khả năng cao bị trốn thuế nếu chỉ đánh thuế ở giai đoạn bán lẻ. Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển, ví dụ như ở Mỹ, thuế TTĐB thường được áp dụng ở khâu bán lẻ. Việc này đảm bảo rằng thuế được thu dựa trên giá bán cuối cùng, từ đó tối đa hóa doanh thu thuế cho chính phủ. Ở Việt Nam, với một hệ thống quản lý thuế chưa hoàn toàn hiện đại hóa, việc đánh thuế TTĐB ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu vẫn là lựa chọn tối ưu.

Thứ ba, phạm vi điều tiết của thuế TTĐB không rộng. Số lượng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB thường không nhiều và thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Với những đặc điểm này, Thuế TTĐB đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế và xã hội ở mức độ vĩ mô, mặc dù phạm vi điều tiết của nó không rộng.

Những đặc điểm sau đây cho thấy rõ tầm quan trọng của thuế TTĐB. Một là, công cụ thu ngân sách hiệu quả: Thuế TTĐB là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017-2020, thuế TTĐB đã đóng góp từ 8,3% đến 8,8% tổng thu ngân sách. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng lên khoảng 9,2%, phản ánh sự gia tăng trong tiêu dùng các mặt hàng chịu thuế TTĐB như rượu, bia, thuốc lá và ô tô. Điều này minh chứng rằng, mặc dù chỉ tập trung vào một số ít mặt hàng và dịch vụ, thuế TTĐB vẫn tạo ra nguồn thu lớn nhờ vào đặc tính dễ thu và mức thuế suất cao đối với các mặt hàng chịu thuế. Với các sản phẩm như thuốc lá, rượu bia và ô tô, thuế TTĐB tạo ra một mức thu đáng kể, nhờ vào nhu cầu cao và giá trị lớn của những sản phẩm này.

Hai là, điều tiết thu nhập và công bằng xã hội: Thuế TTĐB cũng có vai trò trong việc điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Bằng cách áp dụng mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm xa xỉ hoặc có tính tiêu thụ cao trong giới có thu nhập cao, thuế TTĐB gián tiếp làm giảm chênh lệch giàu nghèo. Ví dụ, các sản phẩm như ô tô nhập khẩu, xe máy phân khối lớn hay rượu mạnh, vốn được tiêu thụ chủ yếu bởi tầng lớp có thu nhập cao, sẽ phải chịu thuế suất TTĐB cao hơn, từ đó góp phần chuyển dịch nguồn thu từ những người nộp thuế có khả năng tài chính lớn vào ngân sách nhà nước.

Ba là, công cụ quản lý vĩ mô: Từ góc độ vĩ mô, thuế TTĐB đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Đối với những sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng như thuốc lá và rượu bia, thuế TTĐB không chỉ là một công cụ thu thuế mà còn là biện pháp kiểm soát và hạn chế tiêu dùng. Điều này chứng minh rằng thuế TTĐB không chỉ tạo ra nguồn thu cho ngân sách mà còn có tác dụng điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm chi phí y tế cho nhà nước.

Như vậy, thuế TTĐB không chỉ là một công cụ tài chính hiệu quả mà còn là một phần quan trọng của chiến lược quản lý vĩ mô, hướng dẫn tiêu dùng và đảm bảo công bằng xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, vai trò của thuế TTĐB càng trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Tác động với ngành bia rượu

Theo Bộ Y tế, rượu bia là yếu tố xếp thứ 02 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật tử vong hàng đầu tại Việt Nam, là một trong những nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm. Việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình (gây ra 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam), mất an ninh trật tự (nguyên nhân gây ra 30% các vụ gây rối trật tự), tăng khoảng cách giàu nghèo (Theo Khoản 7.2 Mục B Báo cáo tổng kết, đánh giá, thực hiện Luật thuế TTĐB sửa đổi ngày 24/07/2024 số 190/BC-BTC). Do đó, bia rượu đã và nên tiếp tục là mặt hàng chịu sự quản lý của thuế TTĐB, nhằm điều tiết tiêu dùng mặt hàng này, hạn chế những tác động tiêu cực.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu: Cần lộ trình giãn cách dài hơn

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam.

Hiện nay, trên thế giới, đối với mặt hàng đồ uống có cồn có 3 phương pháp chính để áp dụng tính thuế TTĐB. Gồm phương pháp thuế tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm): hiện đang được áp dụng bởi Việt Nam, Lào, Campuchia…;

Phương pháp tính thuế tuyệt đối: hiện đang được sử dụng nhiều bởi các nước Tây Âu, Singapore, Brunei, Indonesia, Australia, Canada, Nhật Bản, Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, hầu hết các nước OECD (trừ Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ). Đa số các nước sử dụng phương pháp thuế tuyệt đối theo số lít cồn nguyên chất, riêng Brunei và Indonesia áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối theo số lít chất lỏng;

Phương pháp tính thuế hỗn hợp: hiện được sử dụng bởi các nước Đông Âu, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Các phương pháp đánh thuế này hiện đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Theo đó, các nước phát triển đã dịch chuyển từ phương pháp tính thuế tương đối sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tuyệt đối. Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận xu hướng phát triển này của thế giới, tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu và tiếp thu ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, Bộ Tài chính nhận thấy hiện nay đặc thù thị trường bia trong nước có tới 80% thị phần là bia phổ thông và bia địa phương, có giá chênh lệch rất lớn so với dòng bia cao cấp. Do đó, nếu áp dụng thuế hỗn hợp và thuế tuyệt đối ở thời điểm hiện tại sẽ dẫn đến việc không công bằng trong việc đánh thuế khi các doanh nghiệp bia phổ thông phải đóng thuế nhiều hơn, lượng doanh thu giảm gián tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cụ thể là công ăn việc làm tại những doanh nghiệp ở phân khúc 80% thị phần này. Do đó, Bộ Tài chính đã cân nhắc và giữ nguyên phương pháp tính thuế đối với mặt hàng rượu, bia (Theo mục 2.4.2 phần V Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi số 41/BC-BTC ngày 29/02/2024). Với việc qui chiếu đặc điểm thuế TTĐB áp dụng một giai đoạn, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội tại quốc gia ở thời điểm đang áp dụng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Bộ Tài chính.

Theo Bộ Y tế, mặc dù mặt hàng rượu, bia đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016 – 2018, sức mua rượu, bia của người dân Việt Nam vẫn tăng, mức điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB chưa thực sự đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế bia rượu ở Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40% - 85% giá bán lẻ, do đó Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế TTĐB thêm ít nhất 10% để giảm lượng tiêu dùng, từ đó kiểm soát các tác hại của bia, rượu.

Dự thảo hiện đang đề xuất tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với mặt hàng rượu, bia theo từng năm, trong đó dao động tăng thêm từ 15% - 35% so với mức thuế suất thuế TTĐB của từng mặt hàng trong nhóm này theo luật hiện hành, tức là giá bán năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ quyết định tăng thuế TTĐB của Ban soạn thảo đối với các mặt hàng có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi xét đến những phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh rượu, bia và thuốc lá.

Những khó khăn với doanh nghiệp

Cụ thể, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải và những kiến nghị cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tăng thuế TTĐB.

Thứ nhất, áp lực từ mức tăng thuế suất cao và nhanh trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu: Cần lộ trình giãn cách dài hơn

Doanh nghiệp phản ánh tăng thuế suất TTĐB liên tục trong những năm gần đây đã gây ra áp lực lớn, vượt quá khả năng thích nghi của họ.

Các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia và thuốc lá đã phản ánh rằng việc tăng thuế suất TTĐB liên tục trong những năm gần đây đã gây ra áp lực lớn, vượt quá khả năng thích nghi của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn bất ổn do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành kinh doanh đồ uống có cồn đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng tiêu thụ giảm, chi phí vận hành tăng cao, và chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến cho quá trình phục hồi của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc tăng thuế suất TTĐB trong giai đoạn này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khiến doanh nghiệp không kịp thích nghi, dẫn tới nguy cơ phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Thực tế quan sát cho thấy, khi giá rượu bia chính ngạch tăng do tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng lại có xu hướng chuyển sang dùng các loại rượu bia nhập lậu, làm giả, sản xuất trái phép, dẫn đến tình trạng thất thu nghiêm trọng hơn cho ngân sách nhà nước mà sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hơn do sử dụng sản phẩm giả hoặc kém chất lượng. Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia không chính ngạch tại Việt Nam những năm qua là khoảng trên dưới 60% trên tổng lượng tiêu thụ. Nói cách khác, khoảng gần 2/3 lượng rượu bia được tiêu thụ tại Việt Nam có thể xuất phát từ nguồn nhập lậu hoặc sản xuất cá thể.

Theo nghiên cứu, giá cả phải chăng và phù hợp với mức mua là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc người tiêu dùng trên khắp thế giới tiêu thụ đồ uống có cồn bất hợp pháp. Trong các cuộc khảo sát tại các quốc gia khác nhau (Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Sri Lanka, Kenya, Botswana, Nga, Brazil và Belarus), một tỷ lệ đáng kể số người được hỏi cho biết giá cả là lý do chính khiến họ chọn các sản phẩm đồ uống có cồn bất hợp pháp và không được ghi nhận thay vì các sản phẩm hợp pháp có thương hiệu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với bộ phận người tiêu dùng có thu nhập thấp và những người nghiện đồ uống có cồn. Các sản phẩm đồ uống có cồn bất hợp pháp này thường được dán nhãn không rõ ràng, chứa hàm lượng ethanol không xác định và các hợp chất có thể gây độc. Sự phức tạp này khiến cho đồ uống có cồn không được ghi nhận trên thị trường trở nên nguy hiểm hơn so với đồ uống có cồn đã được cấp phép.

Thứ hai, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù việc tăng thuế TTĐB có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách nhưng mức tăng quá nhanh và cao đột ngột có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Cụ thể, việc tăng thuế có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư, cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm lao động. Bên cạnh đó, thu nhập của người nông dân trồng thuốc lá và các nguyên liệu khác để sản xuất bia, rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sự suy giảm trong các ngành liên quan. Thời gian qua, ngành bia rượu cũng đã chứng kiến những sụt giảm trong tiêu thụ rượu bia từ việc thực thi quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo nguyên lý Đường cong Laffer và lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách từ thuế của chính phủ, khi tăng thuế quá cao vượt điểm giới hạn thì sẽ làm giảm tổng thu ngân sách của chính phủ. Một số quốc gia phát triển và đang phát triển đã ghi nhận tác động tiêu cực khi thuế suất đối với đồ uống có cồn bị vượt điểm tới hạn (VD như Anh, Úc, Bỉ, Thái Lan, Malaysia) dẫn tới việc ngân sách của Chính phủ bị hụt thu nghiệm trọng ngay lập tức. Với việc tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm rượu bia trong thời gian tới của Việt Nam, chúng tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ngành rượu bia trong nền kinh tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung mà còn tạo ra những bất ổn xã hội trong giai đoạn sắp tới.

Một ví dụ điển hình là năm 2023, khi chính phủ Anh Quốc tăng thuế đối với rượu đã ghi nhận doanh số bán rượu mạnh giảm 20%, tương ứng doanh thu thuế từ bán rượu mạnh giảm tới 108 triệu bảng Anh trong vòng 6 tháng. Theo đó, chính phủ Anh Quốc đã phải dừng việc tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó với việc giảm số thu thuế từ đồ uống có cồn.

Năm 2015, Malaysia đặt mục tiêu tăng thu thuế khi liên tiếp đưa ra chính sách tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất không những không giúp quốc gia này đạt được mục tiêu thu thuế mà còn tạo ra hiệu ứng tiêu cực trên thị trường làm mất nguồn thu thuế, đồng thời khiến nhiều nhà máy đóng cửa và nhiều người bị mất việc làm.

Thứ ba, thiếu hụt số liệu cụ thể trong Báo cáo đánh giá tác động. Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật đã ghi nhận một số tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực trong ngành. Tuy nhiên, báo cáo chưa cung cấp được các số liệu cụ thể và đáng tin cậy để đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng này, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ việc gia tăng nguồn cung rượu bia phi chính thức từ nhập lậu, sản xuất không phép. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các quyết định chiến lược và điều chỉnh cần thiết.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi xin đề xuất, trước hết, Ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới.

Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo nên cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức.

Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80% để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...