Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp “vùng mỏ” huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An gặp nhiều trở ngại khi phát sinh một số vướng mắc, bất cập liên quan…
Nhiều cơ hội phát triển
Lâu nay, huyện Quỳ Hợp vốn dĩ được xem là “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An khi sở hữu trữ lượng tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú vào loại bậc nhất cả nước. Đặc biệt là các loại đá trắng và quặng thiết, có giá trị kinh tế cao, tạo cơ hội phát triển cho nhiều doanh nghiệp, giúp người dân có công ăn việc làm, địa phương gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 421 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm hơn một nửa với 240 doanh nghiệp, chế biến gỗ 5 doanh nghiệp và còn lại là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khác. Qua đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp “vùng mỏ” gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn tài nguyên khoáng sản gần cạn kiệt, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chưa kể, có thêm nhiều yếu tố khác phát sinh liên quan.
Khó khăn là vậy, tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn nỗ lực cố gắng, từng bước vượt qua mọi thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Cụ thể, năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp huyện Quỳ Hợp đã nộp vào ngân sách Nhà nước trên 240 tỷ đồng, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5.000 lao động địa phương, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Quỳ Hợp nói riêng, toàn tỉnh Nghệ An nói chung.
Để đạt được kết quả đó, không thể không nhắc đến sự đồng hành của các cấp ngành, chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thời gian qua huyện đã triển khai các giải pháp thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 12/NQ về đầu tư xây dựng công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp đó, UBND huyện Quỳ Hợp cũng đã ban hành Đề án để đầu tư triển khai được 17 công trình trọng điểm với tổng số vốn đầu tư 1.282 tỷ đồng.
“Định kỳ, trên cơ sở nắm bắt tâm tư, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp chính quyền huyện vào cuộc giải quyết kịp thời các nội dung thuộc thẩm quyền nên chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương được cải thiện đáng kể. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 13 toàn tỉnh, tăng 6 bậc so với năm 2022; chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp năm 2024 đứng thứ 8 toàn tỉnh” – ông Nguyễn Đình Tùng thông tin.
Thế khó của doanh nghiệp “vùng mỏ”
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả khá tích cực trên, năm 2024, trên địa bàn Quỳ Hợp cũng phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp “vùng mỏ”. Về nội dung này, trong buổi làm việc mới đây giữa chính quyền huyện Quỳ Hợp và Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhiều kiến nghị, trăn trở của các doanh nghiệp đã được đưa ra.
Nổi bật nhất là việc 42 xưởng chế biến khoáng sản được hình thành đã lâu nhưng hiện nay lại gặp khó khăn trong lập hồ sơ thuê đất và còn những vi phạm. Nhiều doanh nghiệp khai khoáng đóng trên địa bàn bày tỏ trăn trở địa phương chưa có mỏ cấp đất san lấp, dẫn đến công tác thi công mặt bằng các dự án đầu tư bị trở ngại, dễ phát sinh tình trạng khai thác cũng như đổ đất trái phép…
Đơn cử như, Công ty TNHH Hợp Thịnh ở Khu tiểu thủ công nghiệp, thị trấn Quỳ hợp, huyện Quỳ Hợp, đã sử dụng 1,7ha đất rừng sản xuất tại khu vực Thung Xụ, xã Liên Hợp để làm bãi thải, xây dựng lán trại chưa được cơ quan nhà nước cho thuê đất, thời gian vi phạm từ năm 2019 đến ngày kiểm tra. Ngoài bị phạt tiền, Công ty Hợp Thịnh còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp địa phương cho biết: Nếu như đưa vào diện kiểm tra thì hầu như đều có tình trạng lấn, chiếm đất làm bãi thải, bãi tập kết sản phẩm… Đây có thể xem tình thế bắt buộc của một số doanh nghiệp, sẽ không khai thác được vì không biết đổ thải vào đâu, còn vận chuyển dùng san lấp mặt bằng cho người dân hay đơn vị khác sẽ vi phạm. Nguyên nhân là vì trước đây việc cấp phép xây dựng khai thác mỏ không đồng bộ cùng với việc thuê đất, đến nay vướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đồng thời phải thực hiện như bắt đầu một dự án mới…
Áp lực của doanh nghiệp “vùng mỏ” chưa dừng lại ở đó, trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tiếp tục gặp khó khăn do vướng quy định liên quan đến tận thu đá trắng vật liệu thông thường để làm đá xẻ, cắt làm vật liệu ốp lát khiến doanh nghiệp không xuất khẩu được, đầu ra bế tắc, vừa lãng phí tài nguyên và thất thu nguồn ngân sách.
Về những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp huyện Quỳ Hợp, ông Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An rất chia sẻ và đề nghị đề nghị các sở, ngành và huyện Quỳ Hợp tổng hợp, tiếp thu để kịp thời trả lời giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Ông Khôi cũng mong muốn các doanh nghiệp cần nỗ lực, cố gắng hơn, không ngừng tự đổi mới cập nhật, nâng cao kiến thức pháp luật, các định hướng lớn của tỉnh để điều chỉnh kế hoạch, dự án kinh doanh cho phù hợp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn