Thách thức của Ninja Van

Nhân viên Ninja Van làm việc tại kho hàng. (Ảnh: Ninja Van).

Ninja Van vốn hoạt động trong mảng giao vận tại thị trường Việt Nam. Giờ đây, startup kỳ lân này muốn mở rộng thêm ngành nghề, trở thành bên kết nối, phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đến các cửa hàng tạp hóa truyền thống của Việt Nam thông qua một dịch vụ mang tên Ninja Mart.

Trào lưu số hóa tạp hóa

Trên thực tế, mô hình hoạt động của Ninja Mart khá giống với các ứng dụng quản lý hoạt động tạp hóa, thứ vốn đang phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Các cửa hàng tạp hóa ở Việt Nam có quyền lực vô cùng lớn, vì tuy nhìn nhỏ bé như thế, nhưng tạp hóa lại chiếm đến 75% thị phần mỗi năm, vượt mặt các kênh siêu thị, thương mại điện tử. Cũng giống như mọi lĩnh vực khác, tạp hóa đang dần được số hóa.

Kết quả là hiện tại ở Việt Nam có khá nhiều cái tên hoạt động trong lĩnh vực này. Chẳng hạn VinShop đang trở thành một trong những kênh phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, cung ứng 4.000 mặt hàng cho 100.000 tạp hóa trên 22 tỉnh thành khắp cả nước. Một cái tên khác nổi bật không kém là Telio với hậu thuẫn là ông lớn VNG. Họ đã mở rộng tại 26 tỉnh thành trên toàn quốc.

Lợi thế và thách thức

Trước hết, cần phân tích một chút quy trình đầu vào của hàng tạp hóa. Thông thường có hai trường hợp chính. Thứ nhất, các chủ hàng hóa kiểm tra thủ công, nếu thấy hết hàng, thì họ sẽ tự động gọi đại lý, đặt hàng trên các ứng dụng. Khi nhận được yêu cầu từ chủ cửa hàng, nhà cung cấp sẽ đưa các nhân viên mang hàng đến. Trường hợp thứ hai, các nhà phân phối chủ động cử nhân viên xuống tận từng cửa hàng tạp hóa và theo dõi hàng tồn. Khi thấy hàng của mình đã hết, nhân viên này sẽ báo lại và mang hàng hóa ra bổ sung, chào mời. Dù ở trường hợp nào, thì quá trình giao hàng, vận chuyển hàng hóa đều là một khâu rất quan trọng, đòi hỏi vận hành nhiều, liên tục.

Không chỉ vậy, các ứng dụng tạp hóa muốn chiếm thị phần lớn thì không thể chỉ tập trung ở thị trường đô thị, thành phố, mà còn phải hướng đến thị trường nông thôn. Điểm khó của thị trường nông thôn là diện tích lớn, dân số thưa, hệ thống giao thông cũng không phát triển bằng thành phố. Khi đó, việc cung cấp, giao hàng cũng sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí hơn. Và đây chính là thế mạnh của Ninja Van. Tuy nhiên, Ninja Van không phải là đơn vị giao nhận duy nhất nhẩy vào mảng thương mại điện tử. Thành thử, đây cũng là một thách thức cho tham vọng của Ninja Van.