Tôi hỏi mượn bản “đồ hình”, Vũ ngần ngừ một chút rồi đồng ý. Anh dặn dò tôi cất cẩn thận để trả lại cho anh vào lần gặp tới. Tôi không lĩnh hội được những gì “Trời dạy cho Qua” mà mỗi lần gặp, Vũ dành phần lớn thời gian để nói. Nhưng nghe anh lý giải về những chuyện xảy ra xung quanh dù bằng ngôn ngữ hết sức khó hiểu, tôi vẫn cảm nhận một Đặng Lê Nguyên Vũ rất đời.
Sứ mệnh của Qua là “cứu trái đất này”
Theo Đặng Lê Nguyên Vũ, thế giới hiện hỗn loạn (khủng hoảng – NV) xuất phát từ hai nguyên nhân. Về xu hướng xã hội, nếu trước đây chủ nghĩa đại đồng là ước mơ lớn nhất của loài người thì hiện nay, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một số quốc gia đang trở lại nhưng nguy hiểm hơn mọi quá khứ của nó.
“Vì khoa học tương đối, khoa học vật lý tiến lên một mức độ cao. Với những vũ khí mà con người nghiên cứu, chế tạo ra hiện nay thì sự hủy diệt của nhân loại chỉ còn chưa tới 120 giây. Ngày xưa, chủ nghĩa dân tộc đánh đấm, gươm giáo, cũng làm đủ thứ chuyện nhưng không phải bom năng lượng, bom hạt nhân, hỏa tiễn liên lục địa… Các tiến bộ khoa học lẽ ra dành phục vụ nhân sinh thì lại dành để phục vụ an ninh quốc phòng. Đó là một mối nguy vô cùng lớn” – Vũ giải thích.
Xu hướng thứ hai về mặt tự nhiên. “Con người phá phách nên thiên nhân, thiên địa không còn cảm ứng bình thường được. Tạo hóa tạo ra là Thiên – Địa – Nhân là một nguyên lý. Khi anh phá vỡ cấu trúc của Địa thì Thiên cảm ứng không còn và sẽ bắt đầu sinh chuyện. Cái mà người chị em gọi là biến đổi khí hậu đã đẻ ra một hệ lụy vô cùng lớn. Nước biển dâng, hạn hán, sa mạc hóa, dịch bệnh, đói nghèo, lương thực khan hiếm… và đòi hỏi phải đại điều chỉnh” – Vũ lý giải chuyện anh được “Trời chọn Qua để chuyển và chọn dân tộc của người anh em để lãnh đạo nhân loại này trong kỷ nguyên mới” như vậy.
Vũ nghiêm giọng, tay giơ lên đặt xuống liên tục vào khoảng không trước mặt khi thấy tôi đang cố lĩnh hội những điều anh nói: “Trời chưa bao giờ đích thân dạy ai, khảo ai đến như vậy. Người chị em không thể tưởng tượng nổi đâu. Qua phải là người thực sự kỷ luật, thực sự thiện tâm thiện lành mới vượt qua được, không thì điên loạn rồi. Bởi vì khủng khiếp lắm. Người chị em chỉ ở trong thế giới 3 chiều, cảm xúc của người anh em trong ngũ quan trần tục, cao lắm thì gọi là giác quan thứ 6. Còn tạo hóa đưa Qua vào cực đa chiều, trong vũ trụ đa chiều, đa cực. Sự hỗn loạn trong ma trận như vậy, nếu tâm anh không phải là thật, anh loạn lên, anh điên rồi, thần kinh không bao giờ chịu được” – Vũ nói.
Từ hồi tuyên bố được “trời chọn”, lần nào gặp tôi, Vũ cũng nói rất nhiều về điều này. Có lẽ vì thấy sự hoài nghi toát ra từ ánh mắt không giấu diếm của tôi. Thực sự, tôi luôn rất muốn tìm hiểu và thấu hiểu sự “biến hình” của Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng bất lực. Giữa một Đặng Lê Nguyên Vũ, biểu tượng của thế hệ thanh niên khởi nghiệp thành công của Việt Nam khoảng hai thập kỷ trước với một Đặng Lê Nguyên Vũ quần áo trắng, cổ quấn chiếc khăn rằn tự tuyên bố là “người duy nhất được Trời chọn”, thật khó tưởng tượng.
Trong kiến thức hạn hẹp và tầm thường của mình, tôi cũng không lý giải được vì sao Vũ lại nhốt mình trong nhà hang nơi núi rừng Tây nguyên heo hút mà không về tòa nhà sang trọng tiện nghi ở trung tâm TP.HCM… sống, làm việc và thoải mái thực hiện những khát vọng của mình. Tôi nhiều lần muốn tìm sự “giả trân” trong những điều Vũ nói nhưng đều bất lực. Hoặc cái vỏ bọc anh tạo ra đã đạt đến cảnh giới mà tôi không thể nhìn ra. Nhưng tôi cảm nhận Vũ hoàn toàn tự tại, thoải mái, say sưa với những gì anh tuyên bố. Không có chút bối rối, không có chút ngần ngại.
Anh luôn nhìn tôi thông cảm vì theo Vũ, trước năm 2013 anh cũng như tôi, hoàn toàn không biết gì. “Qua tưởng mình chỉ có cái xác này. Đâu có, người anh em còn cơ thể khí mà mắt thường không thấy. Còn thể vi tế và linh hồn, không ai biết hoạt động thế nào, ai nắm nó? Chủ thể của nó là ai, không ai biết? Bình thường cơ thể người chị em có 365 huyệt đạo chính và 7 cái mà người chị em gọi là luân xa ấy, đóng hết. Mà đóng thì linh hồn bị giam trong thân xác, gần như không liên lạc được với bản thể. Người ta không cho biết mình xuống đây để làm gì. Phải hiểu mỗi thực thể xuống trần gian này để làm gì thì mới hiểu được ý đồ của tạo hóa. Mình cứ tưởng xuống (sinh ra trên đời – NV) rồi sinh con đẻ cái, nuôi dưỡng, lớn lên làm sao có việc làm, tiền bạc, danh phận… vậy là xong.
Đương nhiên cũng phải làm như vậy để dựng xây nhưng phải tuân theo một loạt những nguyên tắc mà trời dạy cho Qua là hòa kính thanh tịnh. Nhưng còn hai yếu tố nữa là tôn tạo và trách nhiệm. Tôn tạo là gì? Con người không thể vượt qua được tự nhiên phải nương vào tự nhiên và tôn tạo tự nhiên thì mới đúng thiên lý. Nhưng giờ phá không, vì lợi cho mình mà phá nát hết thì đi ngược với thiên lý. Người với người cũng phá phách, người với cái gọi là môi trường sống cũng tự phá. Nếu nói sứ mệnh, thiên mệnh của Qua được giao là để cứu trái đất này” – Vũ nói một hồi không nghỉ và nhấn mạnh “Qua có hết rồi, Qua chuẩn bị hết rồi, người chị em yên tâm nhé”.
Có gì trong “đồ hình”?
Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, anh đã hệ thống tất cả những bí kíp mà trời dạy anh trong “đồ hình”. “Toàn bộ nhân loại của các người chị em, nằm hết trong cái ống này của Qua. Tí Qua sẽ gửi cho những người chị em. Phải hiểu thế” – Vũ cao giọng và nhấc chiếc ống màu đen dựa sẵn bên hông ghế lên cho chúng tôi xem.
Nhìn bề ngoài, chiếc ống không có gì đặc biệt, giống như cái ống của dân học kiến trúc đựng bản vẽ. Sau một hồi nghe tôi gạ gẫm, Vũ cũng mở nắp ống, rút ra một tập giấy khổ lớn, màu trắng và cẩn thận chỉ cho tôi coi. “Nó phải tổng kết quá khứ, nghĩa là tổng kết toàn bộ lịch sử của nhân loại. Quán xét toàn diện cái hiện hữu thì mới thiết kế được cái tương lai. Còn không thì không thể thiết kế được tương lai. Chỉ có trời dạy thôi, kiến thức của loài người không thể làm nổi. 10 năm như vậy. Trời dạy Qua thì Qua chuyển”.
Tôi nhìn theo tay anh chỉ trên bản “đồ hình” gồm rất nhiều hình tròn lớn nhỏ được sắp đặt lớp lang tuần tự với tâm là trời. Phần còn lại chia thành rất nhiều cột, nhóm nhỏ li ti, chi chít chữ bên trong, hết sức công phu nhưng tôi không thể đọc được bởi chữ quá nhỏ. “Vũ trụ vận hành tuần hoàn, thống nhất và trời là cội nguồn. Phải theo nguyên lý đó. Tại sao trong cái ‘đồ hình’ này qua không vẽ đứng, vẽ ngang mà tròn hết. Cái hình đó mới là hoàn hảo. Giống như mấy cái bánh xe, bánh răng, nhông… phải tròn thì mới đi được. Còn vuông thì chỉ cố định thôi chứ không bao giờ đi được. Người chị em về cứ chịu khó đọc cái này đi. Nội cái bản đồ này thôi các người chị em cũng khùng điên hết” – Vũ giải thích.
Vũ nói đúng. Tôi thú nhận mình “bung sung, không lĩnh hội được”. Anh động viên “phải mở tâm thức ra. Cứ ghi nhận đi, những chuyện không hiểu cứ hỏi, Qua sẽ nói từng cái. Vì dưới những lời nói là những ‘đồ hình’. Dưới ‘đồ hình’ là những tài liệu cụ thể để hướng dẫn. Chứ trình độ của người chị em thẩm thấu không được, làm sao mà nói cho người bình thường người ta hiểu, người ta theo được”.
Rồi, Vũ chỉ tay vào vòng tròn màu đen đậm nét, giọng nghiêm trang: “Ba đại nguyên lý này là điểm mù của các nhà bác học, các nhà tư tưởng. Ngộ được ba đại nguyên lý của tạo hóa đó thì loài người sẽ luân hồi trong sinh lão bệnh tử, coi như mặc định. Sở dĩ không hiểu được nguyên lý và định luật của tạo hóa nên mới sợ chết”.
Lúc đó trong nhà hang hơi tối, tôi không thể đọc được ba nguyên lý trong “đồ hình”. Sau này về nhà, dùng máy phóng ra nhiều lần tôi mới nhìn rõ. Đó là nguyên lý vận hành âm dương – ngũ hành; nguyên lý vận hành Thiên – Địa – Nhân và nguyên lý vận hành Chân – Thiện – Mỹ trong “Đồ hình thành công toàn lược do đức thượng đế tối cao mặc khải cho cấp độ quốc gia” mà Vũ gọi là “mật mã của tạo hóa” trao cho anh.
Tôi nhớ có lần, Vũ giải thích rằng, một xã hội tốt đẹp, giàu có toàn diện bắt đầu từ những gia đình có nền tảng đạo hạnh, nếp nhà tốt đẹp, thịnh vượng, tráng kiện, hạnh phúc. Một quốc gia mẫu mực là địa đàng nơi hạ giới được tạo dựng từ những làng mẫu, thị trấn, thành phố mẫu… hài hòa được âm dương ngũ hành, hợp nhất được Thiên – Địa – Nhân với nền tảng Chân – Thiện – Mỹ vừa là đạo đức, vừa là đạo lý, vừa là đạo pháp…
Tôi lấy cuốn bản thảo đóng tay “Kiến tạo dân tộc siêu việt…” mà Vũ tặng tôi cách đây vài năm ra đọc… rồi gấp lại. Hy vọng có một ngày se sẻ sẽ hiểu được một chút tiếng nói của đại bàng. Chứ giờ thì…
Vì sao Mông Cổ, vì sao Do Thái?
Lần này gặp lại, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng từ Đặng Lê Nguyên Vũ. Giọng anh trầm bổng theo cảm xúc của câu chuyện. Vũ kể, trước năm 2013, anh đi nhiều nơi, tới nhiều quốc gia. “Qua đi Do Thái, Mông Cổ, đi khắp nơi. Có gì đó cứ thúc giục Qua đi, đi miết mà không hiểu vì sao. Đi đến những đế chế cũ mà buồn ghê gớm, suy tư tùm lum hết” – giọng Vũ trầm hẳn, cứ như anh vẫn đang trong hành trình đó.
Tôi hỏi vì sao lại buồn, anh suy tư điều gì. Vũ chồm hẳn về phía trước, giọng nhuốm màu bi ai: Ví dụ Mông Cổ, ngày xưa chỉ là bộ lạc mấy trăm người, rời rã như vậy mà trở thành đế chế chiếm gần hết thế giới, ai tin được. Giờ tới thăm, nhìn đế chế ngày trước từ ngoại biên vào trung tâm phi ngựa liên tục 3 năm mới tới và hiện tại mà buồn.
“Qua tới Mông Cổ mùa đông. Vô thủ đô heo hắt, thưa thớt người, sự hưng thịnh không còn. Mình phải biết vì sao hưng thịnh, vì sao suy tàn. Tại sao không tồn tại và sao trở thành một thực thể như vậy? Phải chiêm nghiệm chứ”.
Rồi bất ngờ, Vũ chuyển hẳn sang trạng thái hào hứng. Qua bay qua Do Thái (Isreal – NV), một sa mạc đất đá cằn cỗi, không có gì mà giờ là số 1 hết. Nông nghiệp, chăn nuôi, bò sữa… đều là số 1. Họ chỉ có hơn 8 triệu dân mà luôn luôn chủ động. Tại sao như vậy? “Qua cứ suy tư, mà không hiểu vì sao suy tư. Lúc đó nó đóng hết, mình đâu có nghe tiếng nói (của trời – NV). Huyệt đạo mình đóng hết, cấp độ năng lượng ô trọc hết. Ví dụ những người chị em, tai nghe cộng trừ 5 đề ci ben là không nghe được rồi. Thì siêu âm, huyền âm làm sao người chị em nghe được. Mức năng lượng mình không đồng được. Về sau nó mở ra mình mới biết” – Vũ giải thích và tôi lại bắt đầu không hiểu.
Nhưng, những suy tư “Vì sao Mông Cổ, vì sao Do Thái” của Vũ thực ra không mới. Đặng Lê Nguyên Vũ từ lúc khởi nghiệp, thành công, cho tới khi lui về ở ẩn thì vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia, làm thế nào để góp phần cho một Việt Nam hùng cường vẫn luôn đau đáu trong anh. Với tư cách là doanh nhân, anh đã dành cả chục năm tìm tòi, xây dựng và đang ấp ủ một cà phê đạo, để nhắc tới cà phê, thế giới phải nghĩ đến Việt Nam. Như nhắc tới trà đạo, thế giới nhớ đến Nhật.
Điều đó thì tôi hiểu và đã quen. Nhưng điều tôi chưa hiểu là Đặng Lê Nguyên Vũ dành phần lớn thời gian trong 1 thập kỷ vừa qua là ở M’Drắk, trong nhà hang. Nơi nói không với ti vi, wifi… và hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài. Thế nhưng, cũng ở trong nhà hang xa xôi này, anh điều hành Tập đoàn Trung Nguyên phát triển khắp cả nước, vươn ra thế giới. Cũng ở đây, anh nắm rất rõ những diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thậm chí cả thời trang, ca nhạc… Tôi vẫn luôn tò mò tự hỏi, ai đã chuyển tin vào nhà hang cho Đặng Lê Nguyên Vũ để anh có thể “luận” thế sự không thiếu chuyện gì?
Hy vọng một ngày, tôi sẽ có câu trả lời cho tất cả những thắc mắc của mình.