Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA), “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” diễn ra tại sân vận động trung tâm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội do HPA phối hợp với UBND huyện Ứng Hoà tổ chức từ ngày 21 đến ngày 25/7/2023, là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Kết nối 3 nhà
Ghi nhận của DĐDN cho thấy, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đều vui mừng phấn khởi khi tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng Thủ đô tại không gian Festival được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng hoàn toàn trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động trong thời gian diễn ra Festival.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty CP dược thảo Trường An – KIIROO đến từ Thái Bình hồ hởi nói: Công ty mang đến Festival sản phẩm Đông trùng hạ thảo thuận tự nhiên do Công ty trực tiếp nuôi cấy. Sản phẩm đạt chứng nhận ISO 22000;2018 – OCOP3, được kiểm nghiệm tại viện thực phẩm chức năng cho 2 dược chất Adenosine và Cordycepin cao nhất cùng 17 nguyên tố vi lượng, Vitamin.
“Ngoài việc quảng bá, kết nối mở rộng thị trường tại Festival chúng tôi muốn giới thiệu về hiệu quả, công dụng của Đông trùng hạ thảo đối với sức khoẻ con người, đồng thời cũng muốn giúp người tiêu dùng thủ đô cách nhận biết, phân biệt Đông trùng hạ thảo thật khác biệt như thế nào với Đông trùng hạ thảo giả” ông Chiến nói.
Tham gia trưng bày tại Festival các sản phẩm được làm từ tỏi đen, bà Nguyễn thị Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghệ Nhật Bản với nét mặt tươi cười cho hay: Sản phẩm công ty chủ yếu xuất khẩu, việc công ty tham gia Festival lần này muốn quảng bá thương hiệu, sản phẩm và muốn giới thiệu để nhiều người tiêu dùng thủ đô biết đến tỏi đen. Ngoài ra, thông qua Festival Công ty muốn có thêm nhiều bạn hàng, đối tác, nhà phân phối để mở rộng thị phần trong nước.
“Chúng tôi cảm ơn Thành phố Hà Nội, cảm ơn HPA đã tổ chức Festival tại Ứng Hoà 5 ngày không như lần tổ chức gần đây tại Ba Vì 3 ngày. Điều này góp phần tạo thêm nhiều cơ hội kết nối 3 nhà (nhà sản xuất – nhà phân phối – nhà tiêu dùng) giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế, hội nhập và phát triển” – bà Trang nhìn nhận.
Là doanh nghiệp thành lập năm 2001 tại Ứng Hoà, ông Trịnh Xuân Sử, Giám đốc cơ sở chiếu tre Trường Sinh chia sẻ: “Sản phẩm công ty được tham gia giới thiệu tại nhiều hội chợ. Việc HPA tổ chức Festival lần đầu tiên tại chính quê hương mình là cơ hội đề doanh nghiệp có thể giới thiệu và thự hiện làm sản phẩm trực tiếp tại chỗ để người tiêu dùng thủ đô cũng như bạn hàng, đối tác tham gia Festival biết về chất lượng cũng như từng công đoạn làm ra sản phẩm chiếu tre như thế nào” ông Sử giới thiệu.
Còn ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Tân, thường trú tại thị trấn Vân Đình tay xách túi đồ mua sau Lễ khai mạc Festival cho biết: Việc Thành phố Hà Nội tổ chức Festival tại huyện Ứng Hoà có ý nghĩa thiết thực, giúp người tiêu dùng tại huyện có cơ hội “mục sở thị” biết đến, sử dụng nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương trong cả nước.
“Tôi mong muốn Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội chợ tại Ứng Hoà hơn nữa để người dân có điều kiện biết và mua sắm nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong và ngoài Thủ đô. Tuy nhiên, Festival lần này hơi ít sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn” bà Tân nhìn nhận.
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành
Đại diện đơn vị tổ chức, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Tiếp nối thành công tại huyện Đông Anh, Ba Vì, “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Với quy mô 120 gian hàng của 108 doanh nghiệp và gần 1000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng rất nhiều nội dung, hoạt động phong phú để người dân trải nghiệm, dùng thử và tham gia.
Đó là hoạt động kết nối tiêu thụ, trưng bày giới thiệu sản phẩm; trải nghiệm làm sản phẩm OCOP tại chỗ như: đan nón, nặn tò he của các nghệ nhân,..; các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa địa phương; giới thiệu ẩm thực, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng…
Chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
“Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương với du khách, tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của quê hương trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng huyện Ứng Hòa ngày càng phát triển” ông Dương nhìn nhận.
Cũng theo ông Dương, trong các ngày diễn ra Festival, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thu hút khách tham quan như: trải nghiệm làm sản phẩm OCOP tại chỗ, hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa địa phương; giới thiệu ẩm thực quà quê, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng của các nghệ nhân và nhân dân bản địa …
“Chương trình “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” sẽ tiếp tục được tổ chức tại các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng trong thời gian tới” ông Dương khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thiết, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà bộc bạch: Huyện Ứng Hòa có tổng diện tích đất tự nhiên là 18.818 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 13.418ha (chiếm 71% diện tích đất tự nhiên). Diện tích lúa hàng năm đạt hơn 16.000 ha, sản lượng trên 96.000 tấn (trong đó tỷ lệ Lúa chất lượng cao chiếm khoảng 85%) nổi bật với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy “; Diện tích cây ăn quả đạt 380ha, vùng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.000 ha, sản lượng trên 39.532 tấn…
Đặc biệt, huyện đã có hàng trăm ha nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao như dưa vàng, dưa lưới, trong nhà màng, hàng chục trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGap, với năng suất và chất lượng tốt cung cấp cho thị trường Hà Nội.
“Đến này, Huyện đã có 44 sản phẩm Ocop 3-4 sao, đã được giới thiệu ở hàng chục hội chợ trong và ngoài Huyện, được người tiêu dùng tin dùng” ông Thiết nêu rõ.
Bên cạnh lợi thế về nông nghiệp, Ứng Hòa còn là miền quê có truyền thống lịch sử cách mạng với 433 di tích trong đó có 173 di tích được xếp hạng nổi bật như là An toàn khu « ATK » chùa chòong Trầm Lộng, Tượng đài khu cháy, Khu lưu niệm cụ Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thượng Hiền, đền Đức Thánh Cả, làng nghề may áo dài thôn Trạch Xá…
Theo ông Thiết, Chương trình Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết Du lịch Hà Nội năm 2023 tại huyện Ứng Hòa sẽ góp phần thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, sản xuất và du lịch trên địa bàn huyện Ứng Hòa nói riêng, Thành phố Hà Nội và các tỉnh trong cả nước nói chung, nhằm góp phần mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và làng nghề kịp thời nắm bắt các cơ hội để giao lưu, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết, đầu tư, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh hoà cùng xu thế phát triển của huyện, Thành phố và đất nước.
“Festival cũng là dịp để nhân dân trong huyện và các vùng lân cận có cơ hội giao lưu, thăm quan, mua sắm các sản phẩm, hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng” ông Thiết đánh giá.