Liên kết để cùng nhau phát triển
Đó là khẳng định của doanh nhân, Cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo ông Tiệp, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình đang nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, thông thoáng, thu hút nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân huyện Quỳnh Phụ sẵn sàng đồng hành cùng các cấp chính quyền, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kinh tế địa phương phát triển giàu mạnh.
Để thực hiện, doanh nghiệp, doanh nhân cần đoàn kết, hỗ trợ nhau, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh, nâng cao thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bởi, theo ông Tiệp, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” sẽ không tạo nên được sức mạnh tổng hợp. Khi đó, Hội doanh nghiệp sẽ là “ngôi nhà chung” gắn kết cho cộng đồng doanh nghiệp, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng.
Ông Nguyễn Quang Tiệp cho biết, kể từ khi được thành lập (2013) đến nay, Hội luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thành công thì động viên cổ vũ, lúc doanh nghiệp gặp khó khăn thì sẻ chia, tìm cách cùng tháo gỡ. Hội luôn kịp thời nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, tham mưu cho UBND huyện và UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của huyện là nhỏ và siêu nhỏ nên khó cạnh tranh và khó tạo nên sức mạnh tổng hợp để đảm nhận các dự án, công trình có quy mô lớn; chưa thể liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để mở rộng quy mô sản xuất.
Do đó, Hội Doanh nghiệp huyện Quỳnh Phụ cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ là đầu mối thúc đẩy phát triển quan hệ của các doanh nhân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa doanh nghiệp và với các tổ chức khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Việc các doanh nghiệp sinh hoạt trong Hội sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, gắn kết các doanh nghiệp để cùng nhau liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, chung tay, góp sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chính quyền – doanh nghiệp đồng hành, trách nhiệm
Chia sẻ với Diễn đàn Doan nghiệp, ông Nguyễn Quang Tiệp cho biết, thời gian qua các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình đã có sự đổi mới đáng kể về nhận thức và tư duy trong điều hành kinh tế. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở địa phương đã mạnh dạn đổi mới về con người, trọng dụng những lãnh đạo trẻ có tài, có đức, tư duy đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hệ thống chính trị có sự chuyển đổi rõ rệt, vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Hội Doanh nghiệp đánh giá cao sự đoàn kết của lãnh đạo địa phương, đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Sự đoàn kết này được chuyển hóa rõ nét từ tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo đến thực tiễn đời sống của nhân dân, doanh nghiệp trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhiều năm qua.
Đơn cử, huyện Quỳnh Phụ đang đặt mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, do đó cần thiết phải xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại. Bước đầu, chương trình gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp, trong khi cần nguồn lực lớn để xây dựng hạ tầng. Lúc này, công tác dân vận phát huy vai trò quan trọng để huy động sức dân, phát huy nguồn lực, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Là doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, có nhiều năm gắn bó với phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Phú Huynh, Giám đốc công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn cho biết, trước khi triển khai các dự án xây dựng công trình giao thông, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp với chính quyền các cấp tại địa phương tổ chức họp dân để thông báo chủ trương, quy mô đầu tư; xin ý kiến người dân về việc hiến đất xây dựng các công trình, nâng cấp đường giao thông; đồng thời, thông tin đến người dân kế hoạch triển khai thi công công trình.
Theo ông Huynh, công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần làm cho người dân ý được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn nói riêng. Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nhiều dự án đã được triển khai với sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao của người dân. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá cho tất cả các địa phương trong toàn quốc để nhân rộng mô hình về phát huy vai trò của người đứng đầu và sức mạnh nội lực từ nhân dân.
Một nét mới của lãnh đạo tỉnh Thái Bình thời gian qua trong việc đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện qua việc thực hiện những buổi Cà phê doanh nhân. Thường kỳ sáng thứ 5 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành sẽ cùng với doanh nghiệp “ngồi” lại với nhau, uống cà phê, tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Trong không khí cởi mở, thân thiện, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đóng góp thêm các ý kiến đối với công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; chia sẻ các cơ hội hợp tác, kinh doanh với nhau.
Muốn kinh doanh giỏi phải am tường pháp luật
Hiện nay, doanh nghiệp đánh giá chính quyền thông qua việc chấm điểm DDCI hàng năm. Sau 3 năm triển khai, rõ ràng DDCI đã mang lại hiệu quả thiết thực, nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và là cơ hội để các sở, ngành, địa phương “tự nhìn lại mình”; đồng thời cho thấy UBND tỉnh đánh giá cao, coi trọng vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, một số doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ về DDCI dẫn tới việc khảo sát, đánh giá vẫn còn hạn chế. Do đó, Hội Doanh nghiệp Quỳnh Phụ đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cơ quan, ban ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn về DDCI cho giám đốc (người đứng đầu) doanh nghiệp nắm rõ, từ đó có cách chấm điểm chính xác nhất.
Ngoài ra, doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, đa số không được đào tạo qua lớp quản trị doanh nghiệp và kiến thức về chính sách, pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp. Thực tế cho thấy rằng, Luật Doanh nghiệp cũng chưa thực sự đi vào thực tiễn, còn sự chồng chéo giữa nhiều Luật khác nhau dẫn đến việc doanh nghiệp hiểu sai quy định của pháp luật, khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật là một trong những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp nói chung có thể phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Do đó, Hội Doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Thái Bình, các sở, ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật và các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với doanh nghiệp để lãnh đạo doanh nghiệp nắm chắc các kiến thức kinh tế vĩ mô, các ưu đãi của hiệp định thương mại, từ đó có định hướng phát triển tốt nhất, nắm bắt được thời cơ, vận hội kinh doanh.
Trên cơ sở góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Thái Bình tham mưu, góp ý với các cơ quan Trung ương xem xét, nghiên cứu sửa đổi các quy định còn chồng chéo giữa các Luật để có sự thống nhất, đồng bộ, giúp doanh nghiệp cả nước hoạt động đúng quy định, tránh những vi phạm không đáng có.