Phát biểu tại Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 7/12, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam nhấn mạnh, phát triển điện khí LNG vừa qua còn gặp nhiều thách thức.
Thứ nhất, thị tường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện.
Thứ hai, thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thoả thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG.
Thứ ba, thách thức về vấn đề bảo lãnh Chính phủ. Bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng các doanh nghiệp lại chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế.
Thứ tư, vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG.
Thứ năm, vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét.
Thứ sáu, vấn đề cam kết tổng sản lượng. Thứ bảy, vấn đề cam kết đường dây truyền tải. Thứ tám là nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của dự án.
Từ những khó khăn kể trên, với trách nhiệm và tư cách của một tổ chức xã hội nghề nghiệp – Hội Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập đề xuất một nhóm các giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG trong QH Điện VIII.
Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII.
Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu Công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG.
“Chính họ là các hộ tiêu thụ và là cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện (Qc) và khi đó, các cam kết trong Hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Đây cũng là chính sách giúp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG. Thêm vào đó, chúng ta cần có thêm các chính sách kích cầu về điện, kích thích sản xuất và kích thích tiêu dùng song song với khuyến khích tiết kiệm điện”, ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Nhóm giải pháp thứ hai là sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật BVMT, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan.
Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.
Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện.
Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG. Song song, với quá trình đó cần bổ sung khung thuế và phí phát thải CO2 trong Luật Thuế và Luật BVMT.
Nhóm giải pháp thứ ba ông Thập đưa ra là cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của PVN và EVN.
“Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các Hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng, tuy nhiên với khung pháp lý hiện tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá.
Đồng thời cho rằng, cần phải cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính liên quan đến quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của hai Tập đoàn đã và đang tham gia vào chuỗi các dự án điện khí LNG nói riêng và các chuỗi dự án lớn khác nói chung. Khi đó, nút thắt về bảo lãnh Chính phủ sẽ được tháo gỡ.
Nhóm giải pháp thứ tư, Chính phủ hoặc Ngân hành Nhà nước vẫn cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.
“Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn được thuyết phục nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận này và nút thắt cũng sẽ được tháo gỡ”, TS Nguyễn Quốc Thập khẳng định.
Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường và mở rộng Hợp tác Quốc tế. Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, hợp tác quốc tế sâu rộng sẽ giúp chúng ta có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế sâu rộng cũng giúp lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai. “Chúng tôi cho rằng, hợp tác 1uốc tế tốt và hiệu quả sẽ là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện VIII”, TS Nguyễn Quốc Thập nhận định,
Nhóm giải pháp thứ sáu là thay đổi nhận thức và tư duy. Với một loại hình kinh doanh mới, ông Thập cho rằng cần có cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi.
Điện khí LNG không phải chỉ có nhà máy điện và kho cảng LNG, mà điện khí LNG cần được hấp thụ hay tiêu thụ bởi các hộ tiêu thụ điện công nghiệp đó là các khu công nghiệp hay các nhà máy chế biến và nói rộng hơn là nền kinh tế.
“Nhận thức về giá điện khí LNG cũng cần phải thay đổi và như đã đề cập ở trên, giá điện khí LNG bắt buộc phải theo cơ chế thị trường vì trọng số trong cấu thành giá điện khí LNG chủ yếu là giá LNG nhập khẩu”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định.
Đồng thời cho rằng, muốn có giá LNG tốt thì chúng ta phải có các cam kết dài hạn, và muốn cam kết mua và bán khí LNG dài hạn thì cũng phải có cam kết dài hạn từ nhà máy điện, rồi nhà máy điện muốn cam kết được thì cũng phụ thuộc vào khách hàng của họ có cam kết mua điện dài hạn hay không? Bởi các nước nhập khẩu LNG và kinh doanh khí điện LNG đều đã thành công với những mức độ nhau và họ vẫn đang mở rộng quy mô. Các nhà đầu tư đầu cuối (tiêu thụ điện khí LNG) ở những nơi đó vẫn tiếp tục đầu tư, và tạo thành một chuỗi giá trị và liên hoàn. Từ những kinh nghiệm đó, Chủ tịch Hội Dầu khí cho rằng các cam kết dài hạn, hợp tác quốc tế và thị trường là những điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện theo Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch Năng lượng Quốc gia.