Thách thức trang bị kỹ năng số
Theo ông Lê Duy Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA): Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới. Để đối phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và trang bị nhân lực với kỹ năng số trở nên vô cùng quan trọng. Kỹ năng số đã trở thành yếu tố không thể thiếu của nguồn lao động.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết sau khi thực hiện việc ứng dụng chuyển đổi số, kết quả đã đem lại lợi ích lâu dài cho công ty, cho khách hàng và người lao động cũng có điều kiện làm việc tốt hơn, song quá trình chuyển đổi này gặp phải không ít khó khăn.
Ông Bùi Hữu Nghĩa – Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực, Công ty Cổ phần Logistics U&I cho biết: Khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, khó khăn đầu tiên là về nhân lực cho đội ngũ IT. Thời điểm năm 2003, khi công ty bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, việc thu hút nhân sự chuyên về IT là rất khan hiếm. Thứ hai là về chính sách tài chính để phát triển các phần mềm. Khó khăn thứ 3 là từ phía người dùng, các khách hàng nước ngoài đưa ra yêu cầu về công nghệ để nắm bắt thông tin về nguồn hàng, thì phía nhân sự trong nội bộ công ty cũng phải thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ công nghệ để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Khối công nghệ thông tin, Công ty Cổ phần Logistics U&I nhận định: Thực hiện chuyển đổi số là việc không dễ dàng, cần có sự đồng thuận quyết tâm cao từ đội ngũ lãnh đạo đến nhân viên. Bởi, khi tiến hành chuyển đổi số thì việc sử dụng giấy tờ sẽ được thay thế bằng công nghệ, việc này sẽ dẫn đến một số nhân sự bị dư ra. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đào tạo lại, để vừa không bị mất đi nhân sự, vừa tạo cơ hội cho người lao động được chuyển sang vị trí làm việc mới tốt hơn.
Ông Phạm Nam Long – Tổng giám đốc, nhà sáng lập, Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam cho rằng: Lực lượng lao động trẻ là cơ hội để dễ dàng nắm bắt, làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại đang thiếu kiến thức chuyên sâu để có thể ứng dụng công nghệ chuyên ngành về logistics. Vì vậy, cần phát triển toàn diện hơn bộ khung năng lực nhân sự trong lĩnh vực logistics, để doanh nghiệp có thể dễ dàng đánh giá, cũng như lực chọn nhân sự phù hợp.
Cần sự “bắt tay” 3 bên
Tháng 7/2023, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam đã thực hiện cuộc khảo sát lấy ý kiến của cả hai bên cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Kết quả có hơn 86% doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi, hoặc chuẩn bị chuyển đổi số. Hơn 60% doanh nghiệp đã quyết định rằng, nếu muốn thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả thì cần phải có sự đồng hành, gắn kết với cơ sở đào tạo. Hơn 70% cơ sở đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước có đào tạo về logistics cho rằng cần có một chiến lược đào tạo rõ ràng, xuyên suốt.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Trường Đại học Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM nhận định: Qua ý kiến của cả hai bên cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhận thấy, để có được định hướng cho người lao động trong lĩnh vực logistics về việc chuyển đổi số cần phải có một hành trình rõ ràng, cần phải có sự “bắt tay” giữa các bên doanh nghiệp- các cơ sở đào tạo- các cơ quan quản lý nhà nước, cả các tổ chức trong nước và ngoài nước quan tâm tới vấn đề này (như VALOMA, AUS4SKILLS, USAID).
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Bùi Hữu Nghĩa cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc kết nối với các trường đào tạo để chủ động nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động của công ty. Hiện nay, chúng tôi đang kết nối với Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) để đào tạo chuyên sâu 2 phần mềm: phần mềm quản lý kho (WMS), và phần mềm quản lý vận tải (TMS). Khi triển khai 2 phần mềm này tới các trường Đại học sẽ giúp cho sinh viên vừa học tập vừa có ứng dụng thực tiễn để khi đi làm có thể bắt kịp được ngay yêu cầu của công việc.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hoà nhấn mạnh thêm: Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc có những chính sách, chiến lược đầu tư trọng điểm và phù hợp, để các cơ sở đào tạo có động lực để đầu tư các trang thiết bị, công nghệ. Qua đó sẽ giúp cho người học có được thông tin kịp thời, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số là một trong những kỹ năng rất quan trọng đã được Tổ chức Lao động thế giới (ILO) nhận định là một trong những kỹ năng mà người lao động trong thời đại mới cần phải sở hữu.
Để tạo cơ sở cho các trường đào tạo về logistics có thể sử dụng để thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics cũng có thể đánh giá, đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) mới đây đã công bố: “Bộ tiêu chuẩn nghề và tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OS-OSS) đối với vị trí công việc Nhân viên giao nhận hàng nguy hiểm”. Căn cứ trên bộ tiêu chuẩn, người lao động cũng có thể dựa vào đó để tự đánh giá, hoàn thiện kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.