Tại toạ đàm “Phát triển xanh: cách tiếp cận của các thương hiệu Việt”, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng toàn cầu, hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Một số thị trường nhập khẩu lớn hàng hoá Việt Nam áp dụng thuế suất cao với các sản phẩm có phát thải carbon lớn và đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe với hàng hoá nhập khẩu.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tiên phong hướng đến sản xuất xanh, phát triển xanh là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. Những doanh nghiệp này nhanh chóng nắm bắt được các xu thế, yêu cầu mới trên để “đón đầu” đi trước so với các doanh nghiệp khác.
Với khoảng 97% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông Hoàng Minh Chiến, hạn chế nguồn lực để đầu tư chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa dừng lại ở mức cân nhắc, chưa có những bước triển khai đầu tiên các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Dẫn số liệu của một khảo sát vừa được thực hiện, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, có 83% doanh nghiệp cho rằng ESG giúp nâng cao hình ảnh và uy tín; 57% doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững bởi đây là áp lực cần tuân thủ nếu muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác tại châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, có 70% doanh nghiệp cho biết chưa được trang bị đủ kiến thức, chưa hiểu rõ lợi ích của kinh tế xanh và phát triển bền vững nên chưa sẵn sàng đầu tư, chuyển đổi sản xuất.
Từ thực tế trên, ông Hoàng Minh Chiến chỉ ra 5 thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ nhất, am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp
Thứ hai, chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế
Thứ ba, hạn chế về công nghệ sản xuất cũ đang sử dụng trong khi việc thay thế công nghệ mới, công nghệ hiện đại để đáp ứng ngay yêu cầu của thị trường thì chưa thể thực hiện được.
Thứ tư, có thể gặp những rủi ro nếu quản lý không tốt do thiếu kinh nghiệm, hạn chế về kỹ năng.
Cuối cùng, sự hỗ trợ chưa tới. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển xanh, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành những cơ chế, chính sách định hướng cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, một số dự án, chương trình mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để có giải pháp hiệu quả.
Để thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi sản xuất và tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có tư duy đúng về phát triển bền vững để tận dụng những ưu đãi thuế quan trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia để thúc đẩy tăng trưởng. Một trong những yêu cầu đặt ra trong các FTA là doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hoá nguồn tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước với những đòi hỏi ngày càng cao.
Doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển. Doanh nghiệp có thể xem đây như là khoản đầu tư, tuy chưa mang lại ngay hiệu quả kinh tế tức thì trong ngắn hạn nhưng về lâu dài mang lại nhiều “trái ngọt”.
Cuối cùng, xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp, chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp…