Trong thông cáo ngày 19/2, Daiso tuyên bố người sáng lập Hirotake Yano qua đời ở tuổi 80 tại Hiroshima vì bệnh tim. Dù sở hữu sự nghiệp thành công vượt bậc, thế nhưng ông Yano lại không phải là một “doanh nhân điển hình”.
Theo thông cáo, gia đình đã tổ chức tang lễ riêng tư cho ông. Đồng thời công ty Daiso cũng lên kế hoạch tổ chức buổi tưởng niệm trong thời gian tới.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một câu chuyện truyền cảm hứng, khi vị tỷ phú này đã trải qua nhiều khó khăn để trở thành người tiên phong trong mô hình cửa hàng 100 yên rất phổ biến ở Nhật Bản hiện nay.
Từ người bán cá phá sản đến tỷ phú
Tính đến thời điểm qua đời, ông sở hữu lượng tài sản ròng trị giá 1,9 tỷ USD. Ông đã xây dựng đế chế ấy bằng việc bán những vật dụng hằng ngày với giá chỉ 100 yên (0,9 USD) mỗi món.
Thành lập năm 1977, hiện nay Daiso đã trở thành cái tên quen thuộc trong mô hình bán hàng hóa giá rẻ tại nhiều quốc gia, với 4.360 cửa hàng ở Nhật Bản và 990 cửa hàng ở nước ngoài.
Quay trở lại thời điểm bắt đầu, con đường khởi nghiệp của vị doanh nhân này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Thời niên thiếu, ông ước mơ trở thành võ sĩ boxing. Thế nhưng xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm bác sĩ, ông đã phải gác lại giấc mơ ấy và học chuyên ngành kỹ sư theo nguyện vọng của cha.
Tại Đại học Chuo, ông gặp và cưới vợ mình, tức bà Katsuo Yano. Khi ấy ông Yano, tên thật là Koro Kurihara, đã quyết định đổi tên và lấy họ vợ vì ông cảm thấy điều này sẽ giúp ông có nhiều triển vọng kinh doanh hơn.
Sau khi tốt nghiệp, ông Yano tiếp quản công việc nuôi trồng cá của nhà vợ. Tuy nhiên ba năm sau gia đình phá sản. Ông Yano đưa vợ và con trai rời Hiroshima đến Tokyo với hy vọng bắt đầu lại tất cả.
Để kiếm sống, ông Yano làm những công việc lặt vặt, chẳng hạn nhân viên bán hàng, nhân viên sân bowling, thậm chí người tái chế giấy đã qua sử dụng. Năm 1972, ở tuổi 29, ông thành lập cửa hàng đầu tiên của mình với tên “Yano Shoten”.
Theo thông tin từ Global Partner’s Consulting, ý tưởng đồng giá 100 yên tất cả hàng hóa đến từ một thực tế là ông quá bận rộn khi điều hành việc buôn bán một mình, đến mức không đủ thời gian để thay đổi nhãn giá cho các sản phẩm của mình.
Năm 1977, ông Yano đổi tên cửa hàng thành Daiso. Đến những năm 1990, việc kinh doanh dần khởi sắc vì khách hàng ngày càng quan tâm đến giá cả trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản trì trệ.
Năm 1991, Daiso ra mắt cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa. Đến năm 2017, chuỗi mở rộng thành 3.150 cửa hàng chỉ tính riêng tại Nhật Bản. Qua nhiều thập kỷ hoạt động, Daiso từng nhiều lần điều chỉnh chiến lược về giá. Hiện nay họ bán nhiều loại hàng hóa với giá là bội số của 100 yên.
Theo giới thiệu từ website, Daiso cho biết họ có hơn 70.000 mặt hàng, với hơn 1.000 sản phẩm mới mỗi tháng.
Không phải một doanh nhân điển hình
Mặc dù sở hữu sự nghiệp thành công, thế nhưng ông Yano không phải là một doanh nhân điển hình.
Năm 2001, trong một bài đăng trên tạp chí Tokyo Weekender, ông Yano tuyên bố Daiso không có kế hoạch kinh doanh, không có ngân sách định trước, không họp hành và cũng chẳng báo cáo kết quả hằng quý. Ông thậm chí còn không biết doanh nghiệp của mình sẽ có bao nhiêu cửa hàng đến cuối năm.
Thay vào đó, ông chia sẻ rằng bản thân “chờ đợi số phận sẽ dẫn dắt”.
Ngoài triết lý sống khá lạ với một doanh nhân này, ông còn nổi tiếng với khiếu hài hước và thường mô tả bản thân là “già”, “yếu”.
Trong một lần phỏng vấn với tạp chí Options của Malaysia, nhà báo có kể lại rằng ông đã thực hiện một trò ảo thuật nhỏ để tạo không khí thoải mái khi bắt đầu. Ông cũng nói rằng bản thân “rất thích các trò đùa”.
Năm 2018, ông Yano bị đột quỵ. Sau đó ông từ chức chủ tịch Daiso và giao quyền cho người con trai tên Seiji vào cùng năm.