Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu tháng 1/2024 của các sản phẩm hoa quả đã đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì ngành hàng này nổi lên như một điển hình của việc chuyển mình nhanh nhạy theo thị trường.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ở thời điểm này dù hoa quả, rau củ quả có tăng giá nhưng không xuất hiện tình trạng khan hàng. Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có nguồn cung ổn định và bán ra với giá cao. Đặc biệt, tháng đầu năm rất thuận lợi, dự báo hoạt động xuất khẩu rau củ quả năm 2024 sẽ rất khả quan.
Trước đó, nhìn lại năm 2023 cũng là một năm thành công của lĩnh vực hoa quả. Theo đó, nhiều loại hoa quả đã có sự tăng trưởng bất ngờ. Điển hình đó là sản phẩm sầu riêng. Sầu riêng xuất khẩu năm 2023 đã đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022.
Thanh long đứng vị trí thứa hai với giá trị xuất khẩu đạt 523 triệu USD, tiếp theo là chuối, đạt 242 triệu USD, mít 168 triệu USD và xoài 154 triệu USD. Xoài cũng được đánh giá là loại trái cây có thể bứt phá mạnh mẽ trong năm tới. Nguyên nhân là những năm qua, chỉ một lượng nhỏ xoài được xuất khẩu, phần lớn loại trái cây đặc sản này vẫn chỉ tiêu thụ nội địa, như vậy tiềm năng cho xuất khẩu xoài còn rất lớn.
Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng hoa quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng hoa quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng hoa quả trong năm 2024 đạt trên 6,5 tỷ USD.
Những yếu tố chính thúc đẩy ngành hoa quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng hoa quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….
Nói về vấn đề nắm bắt cung cầu của thị trường hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rẳng chúng ta đã chuyển sang cơ chế thị trường nên cần thay đổi tư duy để bắt kịp thời đại.
"Ngày xưa chúng ta quy hoạch mỗi năm phải sản xuất bao nhiêu lúa gạo, con gà, quả trứng… Ngày xưa trong quản lý điều hành nhà nước theo tư duy bao cấp, không gian kín, cứ tính dân số, mỗi người ăn bao nhiêu gạo, thịt, trứng… mỗi ngày thì sản xuất đúng như thế. Lúc đó nhà nước sẽ có nhiệm vụ quy hoạch để tạo ra sản lượng như vậy và Nhà nước có công cụ để thu mua lại tất cả sản lượng này bằng doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã nhà nước. Chuyển sang cơ chế thị trường khác hoàn toàn. Chúng ta mở cửa rồi, thị trường của chúng ta là cả thế giới và chúng ta cũng là một thị trường của thế giới, thành ra chúng ta không thể biết được, không có một số liệu nào chắc chắn thế giới mỗi năm tiêu thụ như thế nào, năm nay thế này, năm sau có thể khác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn chứng thêm, cùng một ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là sầu riêng, Thái Lan, Malaysia xuất khẩu trước Việt Nam nhiều thập niên rồi.
Việt Nam xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thì hiện nay Trung Quốc cũng đã trồng được rồi. Hay như xoài Việt Nam xuất khẩu thì các quốc gia khác cũng đã xuất khẩu sang châu Âu. Do vậy vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng: "Bây giờ quy hoạch ngành hàng không thể như xưa. Thay vào đó, bằng những thông tin về thị trường thông qua các doanh nghiệp - những người gần thị trường nhất, hàng năm người ta có thể thông qua các đối tác để đưa ra một khung nhất định để chúng ta hướng dẫn cho người dân sản xuất theo tín hiệu thị trường".
Tư duy về việc xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng vẫn cần xây dựng vùng nguyên liệu ở một chừng mực nào đó để ít nhất có thể đảm bảo cho tiêu dùng trong nước. Còn việc mở rộng sẽ phải tìm những con đường, thị trường, tín hiệu thị trường mà chúng ta kết nối thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương, hiệp định giữa ngành nông nghiệp, ngành công thương với các quốc gia khác để có thêm không gian tiêu dùng của thế giới, bên cạnh không gian tiêu thụ trong nước.