Bất chấp kinh tế khó khăn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam năm 2023 vẫn đạt nhiều kết quả khá ấn tượng. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm trước); vốn FDI giải ngân đạt 23,18 tỷ USD (tăng 3,5% so với năm trước) và là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Chất lượng dự án FDI, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đã cải thiện, các dự án tập trung phần lớn ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 64,2%). Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao ở lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ…
Tiếp nối những thành công này, các chuyên gia dự báo, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn ngoại chất lượng cao. Ngay trong tháng 2, tập đoàn lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc là Trina Solar đã quyết định đầu tư dự án sản xuất có tổng vốn đầu tư 454,4 triệu USD tại tỉnh Thái Nguyên. Dự án này dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3 năm 2025.
Đây là nhà máy thứ 3 của tập đoàn tại tỉnh Thái Nguyên, sau khi tập đoàn này đã đầu tư 2 dự án tại khu công nghiệp Yên Bình với tổng vốn đăng ký đầu tư là 478 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam có tiền đề thuận lợi trong thu hút FDI, nhất là sau “cú huých” quan trọng nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, một số quốc gia trong EU như Hà Lan, Đức gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong thu hút đầu tư FDI như cơ hội đã từng đến trong năm 2008 - thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Lợi thế thu hút FDI trong năm 2024 đến từ các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip. Dự báo năm 2024, sẽ có thêm những doanh nghiệp bán dẫn từ Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội, ký kết các hợp tác đầu tư.
Đây cũng là một trong những định hướng chính trong thu hút đầu tư FDI của Việt Nam thời gian tới. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, khuyến khích thu hút FDI có khả năng đóng góp cho tăng trưởng xanh của nền kinh tế như điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.
Trước thời cơ lớn để tăng số lượng và chất lượng dự án và nguồn vốn đầu tư FDI, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận. Trong đó, quan tâm có chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn hiện nay.
Bên cạnh đó là các giải pháp như sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư…