Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa cuối tháng 1/2024 đạt 35,32 tỷ USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 19,3 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa đạt 16,02 tỷ USD, cao gấp 1,7 lần. Việt Nam xuất siêu 3,28 tỷ USD hàng hóa.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đơn hàng đã tới tấp khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ mở ra tín hiệu tích cực cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2024. Sự khởi đầu thuận lợi cũng mang tới kỳ vọng xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng 6% và tiếp tục xuất siêu.
Tính chung tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 65,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 30,8 tỷ USD, tăng 34%. Việt Nam xuất siêu 0,7 tỷ USD hàng hóa.
Về xuất khẩu, nửa cuối tháng 1/2024, Việt Nam có 45 mặt hàng xuất khẩu chính ra thế giới. Nhóm điện tử và may mặc vẫn có kim ngạch cao nhất với cùng đạt trên 1 tỷ USD.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,08 tỷ USD, tăng tới 131% so với cùng kỳ năm trước; điện thoại và linh kiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 16,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,36 tỷ USD, tăng 101%. Trong nhóm may mặc, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 1,83 tỷ USD, tăng 170%; giày dép đạt 1,14 tỷ USD, tăng tới 235%.
Đáng chú ý, tất cả mặt hàng nông, thủy sản đều ở mức tăng trưởng 3 con số. Hạt điều là mặt hàng tăng cao nhất với +486%, đạt 188 triệu USD. Đứng sau là cà phê với +377%, đạt 409 triệu USD; hàng thủy sản +224%, đạt 431 triệu USD; gạo +218%, đạt 227 triệu USD; sắn +216%, đạt 90 triệu USD. Chè và rau quả tăng lần lượt 192% và 197%, đạt 11,4 triệu USD và 260 triệu USD.
Tính chung 45 mặt hàng xuất khẩu chính, có tới 32 mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng 3 con số về kim ngạch; 12 mặt hàng tăng trưởng 2 con số và duy nhất mặt hàng dầu thô giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về nhập khẩu, nửa cuối tháng 1/2024, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về kim ngạch với 2,04 tỷ USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2023 và cũng mặt hàng nhập khẩu duy nhất của Việt Nam có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Ngoại trừ sữa giảm 11%, hạt điều giảm 24% và ô tô giảm 30%, các mặt hàng nhập khẩu còn lại đều ghi nhận tăng trưởng tốt, từ 1 đến 3 con số. Trong đó, phân bón ghi nhận tăng tới 371%, đạt 82 triệu USD; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 204%, đạt 126 triệu USD; dầu thô tăng 88%, đạt 491 triệu USD; cao su tăng 103%, đạt 131 triệu USD; gỗ tăng 165%, đạt 112 triệu USD…
Trong nhóm nông, thủy sản, rau quả ghi nhận tăng trưởng tới 120%, đạt 109 triệu USD. Lúa mì cũng tăng thêm 113%, đạt 69 triệu USD; đậu tương tăng 122%, đạt 61 triệu USD; dầu mỡ tăng 125%, đạt 43 triệu USD; hàng thủy sản 123%, đạt 136 triệu USD.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, những nỗ lực của toàn ngành Hải quan đã giúp cho nền kinh tế trong nước tháng đầu năm 2024 đã có những dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu sau thời gian bị kìm hãm đã phục hồi khi nhu cầu thị trường thế giới tăng trở lại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng tốt.
Sự tăng trưởng này đã giúp cho tổng thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 1 đạt 30.648 tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù bắt đầu có những biểu hiện tích cực, song từ nay đến cuối năm 2024, dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, khó lường. Đây là năm đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm toàn ngành Hải quan triển khai cuộc “cách mạng lần thứ 2 về hiện đại hóa” hải quan, khối lượng công việc đặt ra là rất lớn, do đó lãnh đạo Tổng cục Hải quan quán triệt toàn ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục tạo thuận lợi thương mại tối đa theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Hải quan.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh vào việc tập trung hoàn thiện các nghị định như: nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia…
Đồng thời, ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan…
Đối với nhiệm vụ thu ngân sách, bám sát các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để xây dựng các giải pháp thu ngân sách 2024 một cách hiệu quả, nỗ lực thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán được giao của cả năm.