Như DĐDN đã thông tin, tại phiên họp thứ hai Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 mức tăng 6% từ ngày 1/7/2024.
Đại diện hội đồng tiền lương nhận định, theo phương án này tiền lương tối thiểu vùng sẽ cao hơn 2% so với mức sống tối thiểu vùng đến hết năm 2024 để cải thiện tiền lương cho người lao động. Mặt khác, đảm bảo đủ mức sống tối thiểu tính đến khoảng giữa năm 2025 (Tính trước 1 phần CPI của năm 2025) vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024).
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia đồng tình với mức điều chỉnh tăng 6% và nhận định là phù hợp với thực tế.
"Doanh nghiệp giải thể khỏi thị trường vẫn nhiều. Bên cạnh mục tiêu giữ việc làm, doanh nghiệp cũng phải tính đến điều chỉnh chế độ cho người lao động, căn cứ theo sức chịu đựng, năng lực chi trả của doanh nghiệp. Mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng lương không thể không điều chỉnh và mức tăng 6% là phù hợp", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết đại diện người lao động hài lòng với mức tăng này, điều này đảm bảo chia sẻ với người sử dụng lao động trong hoàn cảnh khó khăn.
"Đây là mức tăng phù hợp dựa trên tình hình kinh tế, xã hội, cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Trong bối cảnh lương của khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng từ 1/7 năm sau, việc điều chỉnh lương với người lao động như này là phù hợp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Như vậy, nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước.
Cụ thể, với mức tăng 6%, lương tối thiểu tháng có thể được áp dụng từ ngày 1/7/2023 như sau: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng, lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng, lên 4,41 triệu đồng/tháng, tăng 250 nghìn đồng; Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng, lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng, lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng thống nhất phương án tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. Theo đó, Vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23,8 nghìn đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20 nghìn đồng/giờ lên 21,2 nghìn đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17,5 nghìn đồng/giờ lên 18,6 nghìn đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15,6 nghìn đồng/giờ lên 16,6 nghìn đồng/giờ.
Theo các chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống người lao động cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm. Nếu không tăng lương sẽ khó đáp ứng được cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và lương cơ sở của khối nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 vừa qua.
Trước đó, tại báo cáo "Tổng thuật về lương tối thiểu khu vực ASEAN trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao" của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng cho thấy, Việt Nam thể hiện quỹ đạo tăng nhất quán, với mức lương tối thiểu tăng từ 119 USD vào tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022.
Gần nhất, Việt Nam thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/7/2022 với mức tăng trung bình là 6%, vượt xa tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2022. Nghị định số 38/2022/ND-CP đánh dấu mức tăng đầu tiên sau gần 2 năm rưỡi do đại dịch.