Thêm bước đi chiến lược
Mới đây, thông tin Tập đoàn KIDO lấn sân mảng gia vị đang được truyền thông tấp nập đưa tin.
Theo Ban lãnh đạo Tập đoàn, ngành hàng gia vị là một mảnh ghép thuộc chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành của tập đoàn trong lĩnh vực thực phẩm, hướng tới mục tiêu đưa KIDO trở thành tập đoàn số 1 trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam.
Vậy là, sau mảnh ghép mang tên Bánh bao Thọ Phát, KIDO tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Lấp đầy gian bếp Việt”.
Đại diện cho KIDO, ông Trần Lệ Nguyên – Phó chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn KIDO kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết: “Ngành hàng gia vị là một chiến lược quan trọng của KIDO trong việc mở rộng trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu, với tham vọng “lấp đầy gian bếp Việt”, một mục tiêu mà KIDO đã đặt ra”.
Cũng theo ông Nguyên, ra mắt thị trường trong giai đoạn này, KIDO sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập tại từng khu vực / thị trường, cùng với đó là đội ngũ nhân sự, hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thiết yếu sẵn có, cùng với các kênh mua sắm hiện đại và nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, trong thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến gần, KIDO sẽ phát triển những bộ sản phẩm thiết yếu đi cùng nhau gồm dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bơ thực vật,… giúp các điểm bán và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đa dạng hóa việc trải nghiệm sản phẩm.
Không ít những thách thức
Theo một báo cáo của Nielsen vào năm 2022 cho biết, thị trường ngành hàng gia vị Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình kép hàng năm trong giai đoạn 2016 – 2022 lên tới 25 – 32%. Với việc các gia đình Việt Nam luôn có nhu cầu cao đối với gia vị trong các bữa ăn và tiêu dùng một lượng lớn gia vị để nấu khoảng 30 triệu lít canh hàng ngày trên cả nước, cùng với đó là số lượng các món chiên xào tăng lần lượt 18 triệu và 14 triệu suất vào các dịp cuối tuần.
Trong khi đó, với dân số 100 triệu người cùng hơn 26 triệu hộ gia đình, và cũng là bằng đó những bếp ăn. Trong thói quen nấu nướng của người Việt, gia vị luôn có mặt, một hoặc nhiều hơn một những sản phẩm gia vị như nước mắm, nước chấm, nước tương, tương ớt …
Do đó, thị trường ngành hàng gia vị Việt Nam được coi là một trong những thị trường sôi động nhất châu Á. Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường này cũng tạo ra một “chiến trường” với sự cạnh tranh đầy khốc liệt của các nhà sản xuất Việt Nam và các nhà sản xuất nước ngoài.
Hiện tại, thị trường này có sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lớn tham gia vào phân khúc này, từ các gã khổng lồ ngoại như Ajinomoto, Unilever, Nestlé cho đến các thương hiệu kỳ cựu ngành gia vị trong nước như Masan, Acecook, Kabin & Thái Long … Thậm chí, các nhà bán lẻ như Co.opmart, Central Retail cũng có những dòng sản phẩm riêng để cạnh tranh.
Rõ ràng, các tên tuổi lớn như KIDO sẽ không thể bỏ qua các cơ hội kinh doanh, bỏ qua miếng bánh thị trường được cho là béo bở, bởi họ có thể dễ dàng thâm nhập do đã có sẵn hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với chuyên ngành đã kinh doanh. Đặc biệt, KIDO lại có kinh nghiệm triển khai sản phẩm ra thị trường và tiềm lực tài chính khá mạnh. Tuy nhiên, đây có phải thời điểm chín muồi để KIDO thực hiện việc này hay không còn phải cần câu trả lời của thời gian.
Trong quá khứ, KIDO đã từng tuyên bố gia nhập thị trường ngành hàng gia vị từ rất lâu, cách đây hàng chục năm. Khi đó, Kinh Đô (tên cũ của KIDO hiện tại) còn chưa bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelçz International.
Năm 2013, Kinh Đô đã tuyên bố về chiến lược của công ty sẽ tập trung vào ngành hàng thiết yếu như thực phẩm và gia vị. Theo công ty, ngành hàng này vừa có độ phủ lớn vừa có lượng tiêu thụ cao. Do vậy, thâm nhập vào thị trường nganh hàng gia vị là bước đi chiến lược của doanh nghiệp khi đó.
Vào tháng 5/2013, Kinh Đô liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong xây nhà máy sản xuất theo 4 giai đoạn, sản xuất các sản phẩm từ mì ăn liền, gia vị, cháo, nui, phở, nước chấm... tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Kinh Đô sở hữu 49% và Saigon Ve Wong chiếm 51% cổ phần.
Tuy nhiên, với một thị trường nhiều thách thức như thị trường Việt Nam, có vẻ những bước đi trước đó của KIDO chưa tạo ra nhiều thành công. Những sản phẩm đặc trưng của liên doanh không tạo ra nhiều tiếng vang và chiếm lĩnh thị trường khiến cho tham vọng dấn sâu vào mảng kinh doanh béo bở của KIDO vẫn chỉ mang tính chất rong chơi là chính.
Hy vọng rằng, giờ đây với tiềm lực của một tập đoàn có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam cùng nền tảng vững chắc về hệ thống, tài chính, marketing, nghiên cứu và phát triển, mạng lưới phân phối rộng khắp của KIDO, cùng với sự khẳng định tên tuổi của Tường An, sẽ là nền tảng cốt lõi để bước chân “mới mà cũ” thâm nhập thị trường ngành hàng gia vị của KIDO sẽ thành công.