Đó là khẳng định của ông Ngô Đông Hải – Bí thư tỉnh Thái Bình tại buổi đến thăm, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Marubeni. Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Tập đoàn T&T Việt Nam.
Ông Yuji Sato - Giám đốc điều hành cao cấp, Khối Điện toàn cầu - Thay mặt Tập đoàn Marubeni chia sẻ: Tôi hy vọng được tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào việc cung cấp điện ổn định cho miền Bắc Việt Nam cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình. Tập đoàn Marubeni và Tập đoàn T&T Việt Nam đã ký thỏa thuận về phát triển điện gió ngoài khơi của tỉnh Thái Bình và đã có dịp trình bày báo cáo trước lãnh đạo tỉnh Thái Bình, đồng thời nhận được nhiều lời khuyên quý giá để tiếp tục phát triển dự án.
Ông Yuji Sato khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện dự án và mong sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của tỉnh để hiện thực hóa dự án.
Theo ông Ngô Đông Hải - Bí thư tỉnh Thái Bình: Trong lĩnh vực cung cấp năng lượng điện thì Marubeni là một trong những tập đoàn của Nhật Bản rất thành công ở Việt Nam và đánh giá cao Marubeni tham gia tổng thầu Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1. Hiện nhà máy đang hoạt động rất ổn định, hiệu quả, cung cấp điện ổn định cho mạng lưới điện quốc gia, đồng thời đóng góp lớn cho thu ngân sách và kinh tế của tỉnh Thái Bình.
Ông Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao kinh nghiệm và năng lực của Tập đoàn Marubeni trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Ông Hải, cho rằng Tập đoàn T&T Việt Nam đã rất sáng suốt khi quyết định hợp tác với Tập đoàn Marubeni nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ở Việt Nam Tập đoàn T&T là một tập đoàn kinh tế hàng đầu đa ngành, đa lĩnh vực gần đây bắt đầu tham gia đầu tư lĩnh vực năng lượng điện ở Việt Nam và bước đầu đã được đánh giá cao ở lĩnh vực này.
Theo đó, sự kết hợp giữa 2 tập đoàn chắc chắn sẽ phát huy được thế mạnh của cả 2 trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng các dự án điện, năng lượng tái tạo và Thái Bình sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ cho liên danh giữa 2 tập đoàn trong điều kiện và khả năng của tỉnh với sự nỗ lực, cố gắng cao nhất.
Đối với việc xây dựng dự án điện gió ngoài khơi ở khu vực tỉnh Thái Bình, tỉnh đã có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ. Qua nghiên cứu độc lập cho thấy tỉnh rất có tiềm năng điện gió gần bờ và xa bờ, với lưu lượng gió ngoài khơi tốt không kém các tỉnh phía Nam của Việt Nam với tốc độ gió bình quân khoảng từ 8-10m/s.
Những năm trước thì các chủ trương cũng như hành lang pháp lý để đầu tư điện gió ngoài khơi ở Việt Nam chưa rõ ràng nên tỉnh mới chỉ tập trung khảo sát, cho chủ trương và kêu gọi đầu tư dự án điện gió trên bờ và gần bờ. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực đề xuất với Bộ Công Thương để trình Chính phủ quy hoạch xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi ở ngoài khơi của biển Thái Bình, được Bộ Công Thương chấp thuận trình Chính phủ và đã được đưa vào trong Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn T&T đã trực tiếp về làm việc với tỉnh và có các ý tưởng, đề xuất về dự án điện gió ngoài khơi. Về phía tỉnh đã đưa ra nhiều định hướng để sớm có thể hiện thực hóa dự án và đồng thời có định hướng lâu dài.
Ông Hải, ghi nhận sự chủ động hợp tác của Tập đoàn T&T với Tập đoàn Marubeni - một tập đoàn rất có năng lực và tiềm lực trên lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Đây là một trong những cơ sở để xem xét việc bắt tay vào đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình. Việc liên danh hợp tác giữa 2 tập đoàn, đồng thời cho biết: Thái Bình có bờ biển dài 54km trên địa bàn 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu kinh tế - là địa bàn phát triển tổng hợp kinh tế, xã hội, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị và các lĩnh vực khác với những chính sách ưu đãi cao nhất của Việt Nam hiện nay.
Hiện, tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu tiến tới trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế theo hướng mở rộng ra phía biển. Đối với các hạng mục nằm trong dự án điện gió ngoài khơi được xây dựng trên bờ cũng được hưởng những chính sách ưu đãi của Khu kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang giao cho các bộ, ngành đẩy nhanh tiến trình ban hành các quy định pháp lý cũng như các chủ trương, chính sách liên quan; đồng thời Quy hoạch Điện VIII cũng đề ra mốc đến năm 2030 năng lượng điện gió ngoài khơi phía Bắc Việt Nam đạt 2,5GW nên hiện nay Bộ Công Thương đang rất tích cực thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể bắt tay ngay vào nghiên cứu việc triển khai dự án trong khi đang chờ các thủ tục pháp lý liên quan khác được hoàn thiện, ban hành.
Đây chính là những điều kiện thuận lợi để 2 tập đoàn cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng; vì vậy đồng chí đề nghị 2 tập đoàn nhanh chóng bắt tay vào triển khai xây dựng phương án để sớm đề xuất trong thời gian tới.
Trong đó nhấn mạnh: Tỉnh được Chính phủ cho chủ trương đầu tư thành lập trung tâm nhiệt điện đến nay Thái Bình đã có 2 nhà máy nhiệt điện và mới được cấp chủ trương đầu tư cho dự án nhà máy nhiệt điện LNG. Khi có thêm điện gió ngoài khơi sẽ góp phần hiện thực hóa trung tâm năng lượng của tỉnh, rất thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống tiếp nhận và truyền tải năng lượng tập trung vào mạng lưới truyền tải quốc gia.
Ngoài ra, Việt Nam cam kết đến năm 2050 sẽ thực hiện phát thải ròng bằng 0 vì thế tất cả các dự án năng lượng đều phải chuyển sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và zero cacbon mong rằng Tập đoàn Marubeni cũng sẽ có những định hướng chuyển đổi.
Bên cạnh đó nếu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi cập bờ Thái Bình thì phải có phương án có thể kết nối với các nguồn của các nhà máy nhiệt điện hiện nay cộng với chuyển đổi hydrogen tạo ra nguồn năng lượng xanh, ổn định tương tự như năng lượng nền để có thể cung ứng cho các cơ sở công nghiệp phía Bắc Việt Nam.
Định hướng của tỉnh hiện nay là sẽ xây dựng Khu kinh tế xanh, zero cacbon theo đó lấy hạt nhân của trung tâm năng lượng xanh bao gồm các dự án phát điện để trở thành nguồn cung cấp năng lượng xanh của miền Bắc Việt Nam và tỉnh sẽ đầu tư các hệ thống phụ trợ cho trung tâm năng lượng điện xanh này để làm cơ sở cung ứng năng lượng xanh, zero cacbon cho không gian kinh tế mới dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới.
Được biết, Marubeni là một trong những tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản thành lập năm 1858 với hơn 160 năm lịch sử. Tập đoàn có các văn phòng chi nhánh, hoạt động kinh doanh tại hơn 68 quốc gia trên khắp Bắc Mỹ, Trung và Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Marubeni có tổng tài sản hơn 60 tỷ USD và lợi nhuận hàng năm khoảng 2 tỷ USD.
Marubeni sản xuất, đầu tư và cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như: dệt may; công nghệ thông tin; kim loại và khoáng sản; năng lượng; hàng không vũ trụ và tàu thủy; tài chính, bất động sản; xây dựng, máy móc công nghiệp… Trong lĩnh vực năng lượng, Marubeni là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới với bề dày kinh nghiệm trong phát triển, xây dựng và vận hành các dự án điện. Tổng công suất phát điện gộp của Marubeni trên phạm vi toàn cầu là 36.534MW, trong đó công suất ròng của Marubeni là 11.560MW (tính đến cuối tháng 3 năm 2023).
Tại Việt Nam, Marubeni đã tham gia tổng thầu EPC cho 11 dự án bao gồm nhiệt điện Thái Bình 1 (600MW) và đầu tư các dự án: BOT Nghi Sơn 2 (1.200MW) đã vận hành thương mại từ năm 2022; dự án điện khí Ô Môn 2 (1.050MW) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang đàm phán các hợp đồng mua bán khí/điện với PVN và EVN; dự án điện khí LNG Quảng Ninh (1.500MW) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang trình báo cáo nghiên cứu khả thi để Bộ Công Thương thẩm duyệt.