Công nghệ sản xuất gạch xây dựng truyền thống là quá trình khai thác rất nhiều tài nguyên đất nông nghiệp, thời gian nung dài ngày tạo gạch từ đất sét phát thải rất nhiều khí carbon dioxide, loại khí gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.
Giải “bài toán” môi trường
Gạch không nung sẽ giải quyết toàn bộ hạn chế trên do tính năng sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu, phụ phẩm ngành xây dựng, hoặc bất cứ vật liệu gì có đặc điểm vật lý tương đồng đều có thể sản xuất gạch với giá thành rẻ hơn nhiều gạch truyền thống.
Các nhà quản lý nhìn thấy ưu điểm nên vật liệu không nung du nhập về Việt Nam. Năm 2017 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.
Trong đó, Hà Nội và TP.HCM sử dụng 100%, các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc Bộ, Đông Nam Bộ; tại các khu đô thị loại 3 trở lên mức sử dụng là 90% vật liệu không nung. Các tỉnh còn lại, trong đó có Quảng Trị sử dụng tối thiểu 50% loại vật liệu này.
Năm 2021, Chính phủ có quyết định phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung Việt Nam đến năm 2030. Với mục tiêu rất rõ ràng: gạch không nung đạt tỉ lệ 30-45% vào năm 2025 và 40-45% vào năm 2030 trên tổng số vật liệu xây dựng. Qua đó giảm phát thải 3 triệu tấn CO2/năm.
Sở Xây dựng Quảng Trị đã có hướng dẫn sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung 100% với TP. Đông Hà, sau đó áp dụng với các khu vực còn lại trong toàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Trị đã hưởng ứng đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, liên tiếp nhiều công trình sử dụng gạch không nung có vấn đề, có thời điểm kiểm tra 15 công trình thì 13 công trình bị nứt.
Câu chuyện liên quan đến gạch không nung từng làm “nóng” nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị. Sau cùng các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra rằng: do công nghệ sản xuất chưa phù hợp, lỏng lẻo kiểm soát chất lượng đầu vào,…
Thực hư ra sao?
Xuất phát điểm, Quảng Trị có 4 công ty sản xuất gạch không nung, những doanh nghiệp tham gia trước năm 2014 đều cho ra đời sản phẩm không đạt chất lượng. Dẫn đến nhiều công trình không đảm bảo, tạo ra tâm lý hoài nghi về loại vật liệu này.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Công ty Thành Hưng cho rằng, để đảm bảo chất lượng, công trình sử dụng vật liệu không nung phải đi kèm với xi măng chuyên dùng hoặc phụ gia đúng kỹ thuật.
Hiện nay Thành Hưng sản xuất mỗi tháng 3-4 vạn viên, nhưng thị trường ế ẩm. Ông Dũng hiến kế: “Trước hết, nhà nước cần có công trình mẫu sử dụng xi măng chuyên dùng, phụ gia chống nứt biểu diễn. Đơn vị quản lý chuyên ngành có mô hình thực nghiệm, để khẳng định tính ưu việt của gạch không nung, có cơ chế chính sách chung để lan tỏa”.
Tại Quảng Trị, Công ty Cổ phần Minh Hưng là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực này, với dây chuyền có thể sản xuất mỗi năm 10 triệu viên. Hiện doanh số bán hàng của công ty là 3 triệu viên/năm, nhiều hơn tổng doanh số của những doanh nghiệp cùng ngành tại địa phương.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Đình Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Minh Hưng cho biết: “rút kinh nghiệm từ các sản phẩm lỗi đi trước, công ty chúng tôi đã chọn dây chuyền công nghệ - vẫn có xuất xứ Trung Quốc - nhưng cao cấp hơn”. Với kinh nghiệm của mình ông Sung gọi công nghệ này là “Trung Quốc trung ương” khác với “Trung Quốc địa phương” mà những doanh nghiệp trước đã mua về sử dụng.
Hơn 10 năm có mặt trên thị trường, gạch không nung Minh Hưng khẳng định được chất lượng, được kiểm định từ phòng thí nghiệm đến thực tế trên công trường, góp phần “giải oan” cho một loại vật liệu có tính xu hướng. Nhưng ông Sung cũng tâm tư: “việc thay đổi thói quen sử dụng vật liệu của người dân là rất khó, hiện tại gạch không nung dù tốt đến đâu cũng chỉ sử dụng cho công trình phụ”.