Cứ cân ký lãnh tiền, không phê duyệt
Từ lúc ngồi ăn tối hôm trước, bầu Đức đã hối người của Hoàng Anh Gia Lai “gọi cho Garry đi” và nhìn sang chúng tôi “sáng mai em phải gặp Garry mới được”. Garry Laurenilla Quibradero là người Philippines, bầu Đức biết từ hồi qua nước này học công nghệ trồng chuối và đưa về làm cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã 8 năm nay. Không chỉ là chuyên gia trồng chuối, Garry cũng chính là người đề xuất áp dụng bán chuối sang thị trường Trung Quốc giống như HAGL đang làm với thị trường Nhật: Đóng gói nhỏ và đưa thẳng vào siêu thị. Với chuyên môn của mình, Garry đã đưa năng suất 50 hecta chuối anh nhận khoán từ 13 kg/buồng lên 21 kg, cao nhất trong những người nhận khoán và lãng thưởng hơn 1,1 tỉ đồng.
Nhưng Garry đã qua Lào công tác. Có hơi chút thất vọng nhưng bầu Đức vẫn lái xe vùn vụt chở chúng tôi qua khu vực Garry phụ trách. Chỉ tay vào buồng chuối xanh mướt vẫn còn trên ròng rọc, giọng ông đầy phấn khích “nhìn thích không, khác hẳn đúng không”.
Đúng như bầu Đức nói, từng quả chuối xanh mướt, to như cổ tay người, đều tăm tắp không một vết trầy xước… vẫn đang “chạy” từ vườn vào nhà đóng gói bằng hệ thống ròng rọc. Tôi đã nhiều lần đi thăm vườn chuối, nhìn từng buồng chuối được thu hoạch, rửa, phân loại, đóng gói… nên nhận rõ sự khác biệt giữa chuối khoán ở trang trại Garry so với trước đây. Cũng dễ hiểu, Garry đã đưa năng suất lên gấp rưỡi cơ mà.
Cơ chế khoán được HAGL áp dụng đầu tiên với chuối theo công thức, cứ vượt năng suất một kg, thưởng 1.200 đồng, tính từ mốc trung bình 13 kg/buồng hiện tại của tập đoàn. Chỉ vào buồng chuối trên ròng rọc, bầu Đức rút máy tính, vừa bấm nhoay nhoáy, vừa thuyết minh: Ví dụ, Garry đạt trọng lượng 21 kg/buồng thì 8 kg vượt năng suất sẽ nhận 1.200 đồng/kg. Cậu ấy nhận khoán 50 hecta, mỗi hecta trung bình khoảng 2.300 cây chuối, tương đương với 2.300 buồng nhân lên là 1,104 tỉ đồng”. Ông chìa máy tính cho tôi xem kết quả, rồi lại cười khoái chí, cứ như mình là người được nhận thưởng.
“Tôi ra một quyết định, cứ tất cả các chỉ số đúng là kế toán chi tiền tươi luôn, không họp hành, không duyệt nữa. Chờ các anh duyệt biết chừng nào mới lấy tiền” – bầu Đức nói rồi lại thoăn thoắt mở nắp thùng chuối, lấy ra nải chuối đã được đóng gói chìa cho tôi xem “Chuối ngọt Pleiku nhé, giờ tràn ngập trong các siêu thị Trung Quốc. Quét mã là đầy đủ thông tin, em mở điện thoại quét thử xem”.
Không có Garry, bầu Đức chở chúng tôi qua một nông trường khác, nơi giám đốc vừa lãnh thưởng 690 triệu đồng, năng suất buồng chuối đạt 18 kg; rồi lại tới một nông trường khác, nơi có người nhận khoán vườn sầu riêng năng suất 500 tấn nhận thưởng 500 triệu và “phán chắc như bắp”: “Năm sau năng suất lên ngàn tấn là nhận tiền tỉ ngay. Mà lên là đương nhiên vì năm nay năm đầu, năng suất chưa cao”.
Bầu Đức là thế, cứ phải người thật việc thật. Ông hứng khởi đến mức đặt ăn trưa luôn trong trại heo để chúng tôi vừa thưởng thức “heo ăn chay”, vừa có thời gian đi nhiều vườn, gặp nhiều người… trước khi phải trở về thành phố trong chiều muộn hôm đó.
Tôi hỏi bầu Đức, sao ông lại nghĩ đến cơ chế khoán? Bầu Đức bảo, trước năm 1986, ông cũng là người đói ăn. Nhưng khi đất nước đổi mới, cơ chế mở ra thì Việt Nam không những đủ ăn mà còn dư gạo mang đi xuất khẩu. “Tôi cũng làm như thế, biến vườn chuối của mình thành của họ (nhân viên). Khoán hẳn cho họ gắn liền với quyền lợi trên năng suất là họ sẽ làm hết mình, hết sức. Mà không hết mình sao được. Một giám đốc nông trường lương 15 triệu/tháng nhưng thưởng cả tỉ đồng thì họ sẽ hết lòng, hết sức, có trách nhiệm thôi” – bầu Đức giải thích.
Đừng thấy họ lãnh tiền tỉ mà tiếc
Trước khi ban hành cơ chế khoán, năng suất chuối bình quân của HAGL là 13 kg/buồng chuối. Giá bán hiện nay khoảng 15.000 đồng/kg; 1 hecta, thu lời 300 triệu đồng. Sau khi khoán, năng suất cao nhất lên tới 21 – 22 kg/buồng, còn thì rơi vào khoảng 16- 18 kg/buồng. Phần năng suất tăng người lao động được thưởng 1.200 đồng/kg.
“Từ khi khoán, người ít thì vài trăm triệu, nhiều lên đến cả tỉ. Đó là năm đầu tiên, năm sau khi kinh nghiệm, kỹ thuật và cả trách nhiệm nâng thêm một bậc, một người có thể thu vài tỉ là chuyện bình thường. Nhưng đừng có thấy họ lãnh vậy mà tiếc. Đây là cơ chế tuyệt vời bởi nếu họ không có phần đó thì mình cũng không có phần tăng thêm kia, thậm chí cái ‘đoạn’ 13.000 kg (năng suất bình quân hiện nay) có khi cũng không đạt luôn. Hay nói đơn giản, cái phần năng suất vượt kia thì công ty lợi và người lao động cũng có lợi. Họ làm ra, họ hưởng chứ không phải mình cho họ. Mình tạo ra cơ chế để người lao động có cơ hội tăng thu nhập, làm giàu thôi…” – bầu Đức tâm đắc.
Ông kể vui, sau mùa khoán đầu tiên, một số anh em nhận thưởng lớn sợ ông sẽ thay đổi trần khoán. “Mấy đứa bảo, anh đừng nâng từ 13 kg lên 15 kg đấy nhé, tôi nói luôn, ai chơi kiểu đó”. Ông bảo, cơ chế khoán đã tạo ra phong trào làm việc “ghê gớm” ở các nông trường. “Năng suất cao thì ngay cả công nhân đóng gói, thu nhập cũng cao hơn. Trung bình thu nhập của họ là 400.000 đồng/ngày, lúc cao điểm thậm chí cao gấp rưỡi, gấp đôi”.
Thế nhưng, ông cũng có “chiêu” của mình, đó là khống chế mức trần khoán tính theo giá trị là 3 tỉ đồng/người/năm. Bầu Đức giải thích, tất cả những người nhận khoán đều là người của tập đoàn. Họ làm việc cho tập đoàn nhiều năm với đầy đủ lương, thưởng, các chính sách an sinh xã hội. Sau giai đoạn khó khăn, giờ hoạt động kinh doanh của HAGL bắt đầu khởi sắc trở lại, ông mở cơ chế để tăng thu nhập và tạo cơ hội làm giàu cho họ. “Nhưng một người nhận khoán cả ngàn hecta, lãnh cả chục tỉ một năm thì mất cơ hội của người khác. Thế nên, tôi khống chế ở mức 3 tỉ đồng/người/năm để vừa chia sẻ trách nhiệm nhưng cũng để thêm nhiều người có cơ hội nhận khoán, làm giàu” – bầu Đức lại cười sảng khoái.
Bầu Đức khẳng định, hầu hết các loại nông sản xuất được qua Trung Quốc đều có tỉ suất lợi nhuận cao. Bình Thuận trồng thanh long, mỗi hecta thu cả tỉ đồng; trước khi bị dừng nhập khẩu vào Trung Quốc do bị làm giả xuất xứ, xoài Đồng Tháp cũng cho doanh thu rất cao. Ngay cả khoai lang, mỗi hecta thu vài trăm triệu…
Còn việc nông sản, trái cây Việt Nam xuất qua Trung Quốc bấp bênh, bị ép giá là do mình làm quy mô nhỏ, manh mún, chất lượng không đảm bảo, phải qua nhiều tầng nấc trung gian. “Ví dụ, một thương lái Trung Quốc cầm tiền qua đây đưa cho đối tác Việt Nam đi mua hàng. Ông này cũng chưa mua trực tiếp đâu mà qua một cò nữa. Cò này gom đủ rồi đưa lại ‘ông’ Trung Quốc xuất về nước họ. Ông nhập hàng này cũng chưa bán trực tiếp ra thị trường mà bán lại cho một ông lớn hơn ở Trung Quốc. Rồi một ông lớn hơn trong nội địa mới mua về xử lý kỹ thuật, ủ chín rồi mới bán ra thị trường. Làm nhỏ, phải qua nhiều cầu vậy nên vừa bị ép, vừa phải chia sẻ lại cho mỗi khâu một ít nên phần thu về ít. Chứ thực tế, loại nào Trung Quốc đã chấp nhận thì giá đều cao, lợi nhuận lớn và khối lượng là vô biên” – ông nói và lấy luôn HAGL làm dẫn chứng: Chúng tôi làm số lượng lớn thì cuộc chơi khác ngay. HAGL chào giá trực tiếp cho nhà nhập khẩu tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Nghĩa là chỉ qua một cầu là ông nhập khẩu lớn thôi. Nhưng giờ chúng tôi cũng đang “cắt” nốt ông trung gian này, bán thẳng vào siêu thị thông qua việc mở công ty liên doanh với đối tác ở Trung Quốc. Mỗi bên 50% vốn, họ chịu trách nhiệm đưa hàng vào siêu thị, HAGL chịu trách nhiệm đưa hàng qua. “Làm được 3 tháng rồi. Sản lượng đang tăng dữ lắm, đưa bao nhiêu cũng hết, đến cuối năm nay là bùng nổ” – bầu Đức tự hào.
Lăn lộn với thị trường Trung Quốc cả thập kỷ, bầu Đức hiểu khá rõ những ưu điểm cũng như rủi ro của thị trường này. Ông bảo, ở thị trường Trung Quốc, cái tên HAGL khá nổi tiếng, nhưng không vì thế mà ông chủ quan. Cơ chế khoán, bên cạnh việc tạo ra những “nông dân bạc tỉ” thì với bầu Đức, còn nâng cao chất lượng của chuối, sầu riêng, heo của HAGL.
“Cứ bao cấp thì anh có động viên hay năn nỉ để họ làm hết lòng, hết sức cũng quên đi. Phải gắn với quyền lợi thì trách nhiệm tự khắc sẽ tăng lên. Mình cũng vậy thôi. Tôi bảo đảm khi cơ chế khoán được áp dụng trên toàn mặt trận của HAGL không chỉ thu nhập của người nông dân mà doanh thu của tập đoàn trên mỗi hecta đất cũng sẽ vượt trội so với hiện tại” – bầu Đức quả quyết.