Đây là một trong những đánh giá được Bộ Công Thương đề cập trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…
Thuỷ sản là một trong những ngành tận dụng tốt ưu đãi thuế để gia tăng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt con số ấn tượng có sự đóng góp quan trọng đến từ việc tận dụng tốt các FTA, nhất là hiệp định CPTPP. Tính chung sau 5 năm thực hiện CPTPP (từ năm 2018-2022), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP tăng 30% và nâng tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu từ 25% lên 27%.
Sang năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường sụt giảm khiến xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn nhất định. Tuy nhiên, nhờ hiệp định CPTPP ngành hành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở một số thị trường khác. Điển hình là Chile với mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm.
Cùng với thuỷ sản, giày dép cũng là ngành được hưởng lợi từ các FTA để tạo nên mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Các thị trường có FTA của giày dép như CPTPP, UKFTA, EVFTA… đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. Cá biệt, tại thị trường EU, năm 2022, giày dép là ngành có tỷ lệ kim ngạch xuất đi EU được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, góp phần tăng tỷ trọng xuất khẩu của ngành vào EU từ 23% lên 26% sau 2 năm thực hiện EVFTA. Tương tự như vậy là các thị trường trong hiệp định CPTPP.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam nhấn mạnh: thực hiện các FTA, trong đó có hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tăng trưởng xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao năng lực nội tại. Doanh nghiệp có ý thức thay đổi, đầu tư phát triển để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Ở cấp độ ngành, do phải đáp ứng yêu cầu quy định quy tắc xuất xứ đã thúc đẩy phát triển các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chuỗi sản xuất.
Đánh giá thêm về việc thực hiện các FTA với các ngành hàng khác xuất khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm: năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 5,3 tỷ USD sang Anh sau hơn một năm hiệp định UKVFTA có hiệu lực hay xuất khẩu từ Việt Nam sang EU ghi nhận tăng 17% trong năm ngoái khi thực hiện EVFTA.
Bên cạnh việc đem lại cho Việt Nam hàng chục tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, Bộ Công Thương cũng nhận định, việc thực thi các hiệp định này còn nhiều tồn tại như tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam từ các FTA vẫn thấp (CPTPP đạt gần 5%, EVFTA gần 26%, UKVFTA khoảng 24%); doanh nghiệp FDI chiếm đa số khi xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.
Một số hạn chế khác được ghi nhận như nhiều doanh nghiệp mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng về chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ thuật hàng xuất khẩu hạn chế; chưa nhiều doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu xuất khẩu…
Để tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn lợi thế ưu đãi thuế quan của các FTA cũng như khắc phục hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có chính sách tổng thể, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu “nội khối”, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng FTA. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành làm việc với các ngân hàng thương mại để có nguồn tín dụng phù hợp, lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất qua đó có thể tận dụng các FTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương thí điểm xây dựng hệ sinh thái, trước mắt ở 1 – 2 lĩnh vực, ngành hàng tại mỗi tỉnh…
Với các doanh nghiệp, trong bối cảnh nhiều nước đang ban hành các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững ngày càng khắt khe, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chuyển đổi sản xuất, tăng cường tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh, nhằm kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao.