Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, trong suốt gần một tháng qua, thị trường gạo châu Á hỗn loạn, giá gạo cơ bản tăng mạnh với tổng mức tăng hơn 100 USD/tấn. Tuy nhiên, đến tuần thứ 4, giá gạo chững lại rồi quay đầu giảm nhẹ.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 18/8, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 628 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất thế giới và cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 16 USD/tấn. Ngoài loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao và gạo 25% tấm của cả hai nguồn cung chính này tuy có giảm 10 – 20 USD/tấn, nhưng vẫn ở mức cao.
Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, thu về 2,62 tỷ USD, tăng hơn 20% về lượng và tăng 31,4% về giá trị so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đang xảy ra tình trạng là nông dân và thương lái găm hàng chờ giá tăng thêm. Trong khi đó, giá tăng quá cao khiến các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đàm phán giao nhận hàng chậm từ 3 – 5 tháng. Trên thực tế, gạo là mặt hàng phục vụ chính cho đối tượng khách hàng phổ thông nếu giá tăng quá cao sẽ rất khó tiêu thụ. Nói như đại diện Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp hoàn toàn không mong muốn giá xuất khẩu cao, vì lúa gạo là mặt hàng thiết yếu nên cần có giá và chất lượng ổn định. Việc giá gạo tăng cao không tạo ra được sự ổn định cho xuất khẩu hàng thiết yếu. Và có thể đó cũng là lý do vì sao giá gạo mới chỉ sốt khoảng 2 tuần đã quay đầu giảm.
Một vấn đề khác được bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay là vấn đề vốn, tín dụng.
Do đó, bà Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.
“Cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp”, bà Tâm đề nghị.
Cũng nêu về nhu cầu vốn, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung – dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Tính đến 17/8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là Tp.HCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân..
Đáng chú ý, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh..
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 – 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nóng lên từng ngày từ nửa cuối tháng 7, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Trước đó, đầu tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Trong Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.