“Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Sóc Sơn” diễn ra từ ngày 26/01 đến ngày 30/01/2024 là sự kiện do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn và các đơn vị có liên quan tổ chức tại khu đấu giá thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội (đối diện Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Sóc Sơn).
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng
Trao đổi với DĐDN tại Lễ khai mạc tối 27/01/2024, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Sóc Sơn là vùng đất có bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều di tích văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống. Với thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi cùng sự đa dạng về văn hóa bản sắc riêng biệt vùng miền, huyện Sóc Sơn được quy hoạch trở thành một trong những trọng điểm du lịch thu hút khách đến từ Thủ đô và các tỉnh lân cận với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: như núi Sóc, núi Đôi, hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò…
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Sóc Sơn đã có 97 sản phẩm được UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm được thành phố công nhận OCOP là những sản phẩm có giá trị chất lượng, kinh tế, đã có vị thế, uy tín trên thị trường. Đặc biệt, Hội chợ làg dịp để huyện Sóc Sơn quảng bá những sản phẩm làng nghề truyền thống (Làng nghề Đúc Đồng, nghề mây tre đan, nghề tranh thêu …), qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hoá địa phương.
“Với những thế mạnh trên, trong những năm gần đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố đã phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương. Hội chợ là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên. Đây cũng là dịp để chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương” ông Quang khẳng định.
Cũng theo ông Quang, bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Hội chợ còn tổ chức những không gian trình diễn sản phẩm, các hoạt động văn hóa truyền thống, cùng các hoạt động quảng bá du lịch, kết hợp cùng những sắc hoa rực rỡ trong “Chợ hoa, Chợ tết trên địa bàn huyện Sóc Sơn” mang đến những trải nghiệm, dấu ấn khó quên cho du khách khi Tết đến Xuân về.
Nỗ lực được ghi nhận
Tại Hội chợ quy mô hơn 100 gian hàng với sự tham gia của gần 90 doanh nghiệp đến từ 20 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Sóc Sơn tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, nông sản thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng… cũng như quảng bá hình ảnh về văn hóa, lịch sử của địa phương.
Bà Nguyễn thị Định, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Xanh Quảng Nam vui mừng chia sẻ: Trong những năm gần đây HPA đã phối hợp với các huyện, thị của Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận tổ chức nhiều Hội chợ để hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành giới thiệu, mở rộng thị trường phân phối sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, đồng thời giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng thủ đô nói riêng, du khách trong và ngoài nước nói chung.
“Qua việc tham gia các Hội chợ công ty đã có thêm nhiều đối tác bạn hàng để mở rộng thị trường phân phối sản phẩm Nấm Lim xanh tự nhiên 100%; Sâm Ngọc Linh; Trầm hương phong thuỷ đi khắc các tỉnh thành trong cả nước” bà Định nói.
Cùng quan điểm trên, đại diện Hợp tác xã sản xuất kẹo Chè Lam bộc bạch: Các sản phẩm của Hợp tác xã nói chung, sản phẩm đặc sản Chè Lam Hoàng Thanh của Hiệp Hoà – Bắc Giang nói riêng đều là những sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu bán buôn đi khắp tỉnh thành cả nước. Mặt khác, tham gia Hội chợ Hợp tác xã còn mong muốn quảng bá giới thiệu trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng và tìm kiếm đối tác mở rộng đại lý phân phối tại các tỉnh thành trên cả nước.
Mang đến Hội chợ sản phẩm viên tinh nghệ Sữa Ong Chúa, sự kết hợp hoàn hảo giữa mật ong hoa rừng nguyên chất, sữa ong chúa và tinh bột nghệ tạo ra một sản phẩm chất lượng – an toàn hiệu quả, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Mỹ Đức cho rằng: “HPA nên tiếp tục mở rộng tổ chức nhiều Hội chợ, triển lãm hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã... quảng bá thương hiệu, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để các địa phương quảng bá sản phẩm, di tích lịch sử, danh thắng phát triển du lịch...”.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Tiên Dược, Sóc Sơn nhìn nhận: “Đến Hội chợ tôi thấy có nhiều sản phẩm đặc sản nông sản nổi tiếng để người dân, du khách có thể đi tham quan mua sắm Tết như: Chè Thái Nguyên, gạo Điện Biên, tương ớt Mường Khương, cam sành Hà Giang, thịt trâu gác bếp... Tuy nhiên, Hội chợ kéo dài 7 ngày thay vì 5 ngày thì người dân có thời gian tham quan mua sắm hơn”.