Sự phát triển vượt bậc của thương mại mạng xã hội

TikTok vươn mình, Shopee và Lazada vượt khó (phần 2)

Mặc dù phát triển nhanh, thế nhưng TikTok cũng gặp vô số trở ngại. Bất chấp điều này, họ luôn tìm ra những giải pháp bất ngờ.

Năm ngoái, sau khi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở Indonesia bị đình chỉ trong hai tháng, họ đã chọn đầu tư vào các công ty địa phương để hợp pháp hóa thủ tục. Ngày 11/12/2023, TikTok thông báo sáp nhập mảng kinh doanh thương mại điện tử Indonesia với Tokopedia của GoTo Group, trong đó TikTok nắm giữ 75,01% cổ phần. Họ cam kết đầu tư thêm 1,5 tỷ USD trong vài năm tới.

Ở một mức độ nào đó, việc liên tục giải quyết các thách thức ở thị trường Mỹ đã gián tiếp nâng cao khả năng xử lý vấn đề của TikTok trong quá trình mở rộng toàn cầu. Ngoài ra, động thái vội vã hợp tác với Tokopedia cũng cho thấy sự quan tâm cao độ của TikTok dành cho thị trường Đông Nam Á.

Đây là điều dễ hiểu, vì Đông Nam Á là thị trường lớn và quan trọng bậc nhất đối với hoạt động TMĐT của TikTok, đặc biệt là Indonesia.

Theo dữ liệu từ TiChoo, hơn 91% GMV của TikTok Shop nửa đầu năm 2022 đến từ Indonesia. Ngược lại, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở các quốc gia Đông Nam Á khác mới bắt đầu hoạt động dần dần từ năm 2022, với GMV mỗi quốc gia chỉ chiếm chưa đến 1%.

Sự cạnh tranh tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á vẫn chưa vào giai đoạn chín muồi. Theo báo cáo của Google, tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử bán lẻ ở Đông Nam Á (trừ Singapore) là dưới 5%, trong đó Indonesia có tỷ lệ thâm nhập tương đối cao là 4,26%. Ngược lại, các thị trường thương mại điện tử chín muồi như Trung Quốc hoặc Anh có tỷ lệ thâm nhập lần lượt là 24,9% và 19,3%.

Với dân số trẻ, người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ là động lực chính trong thập niên tới. Tâm lý dễ bị hấp dẫn bởi các xu hướng mới của người tiêu dùng trẻ tuổi cũng chính là yếu tố quan trọng giúp mô hình thương mại mạng xã hội của TikTok thành công tại khu vực này.

Những thách thức phải đối mặt

TikTok vươn mình, Shopee và Lazada vượt khó (phần 2)

Tại Đông Nam Á, dù cho đó là Lazada, Shopee hay TikTok, thì họ đều phải đối mặt với các thách thức về cơ sở hạ tầng.

Thách thức lớn nhất là logistics. Hệ thống logistics của Đông Nam Á vẫn chưa được hoàn thiện, cần cải thiện thêm rất nhiều. Indonesia có đến 17.508 hòn đảo, và việc vận chuyển hàng hóa liên đảo không hề thuận tiện. Philippines gặp vấn đề tương tự. Việt Nam và Thái Lan chịu tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Không chỉ vậy, hệ thống đường sắt và đường bộ ở khu vực này vẫn chưa liền mạch. Bên cạnh đó, giao hàng chặng cuối chưa hoạt động hiệu quả.

Chính vì vậy, nhiều người mua hàng thương mại điện tử ở Đông Nam Á đôi khi phải đợi một đến hai tuần mới có thể nhận hàng. Do đó nhiều người sẵn sàng đặt hàng Taobao từ Trung Quốc và chờ vận chuyển hàng từ Trung Quốc đến quốc gia của mình, vì “logistic địa phương không hiệu quả”, trong khi đó hàng trên Taobao nhiều hơn, giá cũng rẻ hơn, vận chuyển cũng không khó khăn.

Không chỉ logistic, các nền tảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á cũng phải chịu tác động từ lạm phát cao do suy thoái kinh tế toàn cầu. Một báo cáo năm 2023 cho thấy 670 triệu người tiêu dùng Đông Nam Á đang phải siết chặt sinh hoạt phí vì áp lực kinh tế.

Điều này khiến triển vọng phát triển chung của thương mại điện tử Đông Nam Á không hề lạc quan. Dự kiến GMV sẽ đạt 139 tỷ USD vào năm 2023. Đến năm 2025, con số này dự kiến tăng lên 186 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng 211 tỷ USD trước đó.

Với xu hướng này, có thể nhận định rằng thương mại điện tử Đông Nam Á, dù chưa bước vào giai đoạn phát triển chín muồi, đã bắt đầu bước vào tình trạng suy giảm lợi nhuận.