Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1 năm 2024, đã có 13.536 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, gấp 1,3 lần so với bình quân doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 giai đoạn 2018 - 2023.
Quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp đạt 11,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số lao động đăng ký tăng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023 và 31,8% so với tháng 12 năm 2023.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng là 13.799 doanh nghiệp, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.925 , tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong tháng đầu tiên của năm từ trước tới nay. Tính cả các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giải thể, trong tháng 1 năm 2024 có 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bức tranh hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 1 vừa phản ánh những khó khăn, thách thức của nền kinh tế vừa cho thấy độ thẩm thấu của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả và tác động vào nền kinh tế, vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng nhận định: tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các động lực về đầu tư (bao gồm đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm và những yếu tố bất lợi bên ngoài sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…
Thực tế trên cho thấy năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Từ đà tăng trưởng trong tháng đầu tiên của năm, để tạo niềm tin và hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, rất cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trao đổi với báo chí, TS Huỳnh Phước Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động chuyển hướng trọng điểm đầu tư và xuất khẩu vào các thị trường mới. Do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ trong việc tiếp cận vốn thuận lợi, giảm lãi suất cho vay, kiểm soát lạm phát, tỉ giá… Chính phủ cần tiếp tục quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh việc cần thiết duy trì và kéo dài chính sách miễn, giảm thuế phí cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, có những chính sách có thể thực hiện ngay, tác động trực tiếp như giảm thuế VAT 2% được doanh nghiệp rất mong chờ.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, giảm thuế VAT 2% tương đương ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 25.000 tỷ đồng và chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường tương đương với ngân sách hụt gần 43.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ có tác động hiệu quả đến doanh nghiệp và người dân.
Việc giảm thuế góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu; đồng thời giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản…
Ngoài ra, Bộ Tài chính sửa quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến với mức giảm dự kiến từ 10% - 50% hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.