TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vào ngày 12/4.
Tăng trưởng trong khó khăn
Điểm lại bối cảnh từ đầu năm 2024, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: kinh tế toàn cầu và Việt Nam phát triển, tăng trưởng trong bối cảnh tiếp tục có sự đan xen của khó khăn và thuận lợi. Với cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong quý I/2024. Nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.
Mặt khác, lạm phát tại Việt Nam tương đối ổn định; các nhà đầu tư nước ngoài duy trì niềm tin và sự lạc quan với thị trường Việt Nam. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài cho thấy năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngay cả trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, bất định, đóng góp vào đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM lưu ý một số diễn biến để tập trung xử lý. Đó là, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải các-bon, ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Giải ngân tín dụng còn tương đối chậm; chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng.
Việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.
Động lực từ cải cách thể chế
Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. Đó chính là những nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, chúng ta cần phải quyết liệt đổi mới tư duy.
Điểm tích cực, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: chúng ta đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy” cải cách thể chế. Những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển kinh tế đô thị, liên kết đô thị-nông thôn…
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau và được ưu tiên thực hiện khẩn trương ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.
Liên quan đến nội dung này, CIEM vừa được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ làm Trưởng nhóm xây dựng Chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC cho giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ được công bố vào năm 2025.
Trên nền tảng ấy, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng.
Một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh 3 nội dung.
Thứ nhất, đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, đặc biệt là theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để “cùng hợp tác, cùng thắng”.
Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù cho phát triển một số vùng kinh tế-xã hội, đô thị lớn; sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo) để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.
Thứ ba, hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình này, tạo cơ hội và động lực cho doanh nghiệp chủ động tham gia chuyển đổi kỹ năng cho người lao động chính là một yêu cầu quan trọng.