Xu hướng này đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn ở thị trường trong nước khi nhu cầu chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong khi đó, ở thị trường toàn cầu, liên minh doanh nghiệp càng có ý nghĩa hơn để gia tăng sức mạnh tập thể, tạo lợi thế cạnh tranh.
Việt Nam là quốc gia có số lượng doanh nghiệp ICT lớn với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm về số lượng khoảng 30%, doanh thu tăng khoảng 32%. Trong số đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động tại nước ngoài đạt doanh thu năm 2023 là 7,5 tỷ USD.
Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ICT mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới. Ngược lại, có không ít doanh nghiệp trước đây chuyên xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài cũng đang quay lại thị trường trong nước, phát triển ứng dụng giải pháp phục vụ nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Dù ở trong nước hay ra nước ngoài, yêu cầu liên minh, liên kết doanh nghiệp đang trở nên cấp thiết. Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Lâm Quang Nam cho biết: doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài một mình rất khó thâm nhập thị trường, thuyết phục khách hàng, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Trong khi, “buôn có bạn, bán có phường”, nhiều doanh nghiệp rất muốn có thêm bạn đồng hành để “go global” - đi ra thế giới.
Liên minh, liên kết doanh nghiệp không phải là câu chuyện mới trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ. Một số liên minh doanh nghiệp như vậy đã từng được thành lập như câu lạc bộ 192 của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm; câu lạc bộ HighTech của Hội Tin học Việt Nam hay câu lạc bộ Gia công phần mềm Việt Nam…
Hiện nay, liên minh, liên kết doanh nghiệp đang trở thành vấn đề toàn cầu. Các tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng hợp nhất các nhà cung cấp, có thể chỉ giữ lại các “ông lớn”, còn các doanh nghiệp khác phải hợp tác với nhau để cùng nắm giữa thị phần còn lại.
Mỗi doanh nghiệp, dù là quy mô vừa và nhỏ có thế mạnh riêng, có thể liên minh lại để nâng tầm quy mô, tạo thành doanh nghiệp tầm trung. Ông Lâm Quang Nam thông tin thêm: dự kiến trong thời gian tới, một nhóm gồm 4 doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam cùng tổ chức giới thiệu mình với khách hàng tiềm năng tại Nhật. Hình thức liên minh như vậy giúp các công ty nhỏ tạo tiềm lực mạnh hơn, tăng khả năng thuyết phục khách hàng quốc tế.
Lãnh đạo VINASA đánh giá, với sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ như hiện nay, trong những thập kỷ tới, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo. Doanh nghiệp ICT đóng vai trò quan trọng trong thực hiện 2 cuộc chuyển đổi trên. Thực tế, không chỉ ở nước ngoài mà ngay ở trong nước, có nhiều bài toán hay mà doanh nghiệp ICT có thể tham gia tìm ra lời giải.
Trong quá trình đó, một số liên minh doanh nghiệp công nghệ số đã thành lập. Ông Phạm Thanh Hà - CTO của VTI Solutions cho biết: chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải là “đập đi làm lại từ đầu” mà là lộ trình phù hợp tìm kiếm và kết nối các giải pháp, ứng dụng đáp ứng nhu cầu, mục đích của doanh nghiệp. Với thực tế như vậy, doanh nghiệp công nghệ số không thể đi một mình mà cần có sự hợp tác, hợp lực với nhau để xây dựng hệ sinh thái công nghệ tích hợp phù hợp với mục tiêu của khách hàng, tổ chức.
“Khi giới thiệu khách hàng, chúng tôi đứng ở góc độ tư vấn, cung cấp gói giải pháp tổng thể bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau của các doanh nghiệp trong ngành có thế mạnh. Tất cả sản phẩm đó, chúng tôi cố gắng xây dựng thành hệ thống liên kết tổng thể nhất và khách hàng khi sử dụng sẽ cảm nhận toàn bộ hệ thống được vận hành trên nền tảng duy nhất. Cách làm này mang lại hiệu quả cao, góp phần tối ưu hoá chi phí cho khách hàng cũng như có thể cung cấp giải pháp tổng thể trong thời gian ngắn, sử dụng tốt nhất mà cần nhiều thời gian, công sức” - ông Phạm Thanh Hà cho hay.