Bộ NN&PTNT cho biết, hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.
Trong tháng 2, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 16,5% so với tháng 01/2024; trong đó, nông sản chính 2,34 tỷ USD tăng 21,6% so tháng 2/2023; lâm sản chính 1,34 tỷ USD tăng 40,3%, thủy sản 620 triệu USD tăng 1,9%; chăn nuôi 34 triệu USD tăng 6,2%; đầu vào sản xuất 142 triệu USD giảm 7,4%.
Tính chung 2 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao, đạt 9,84 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có: nông sản 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; lâm sản 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; chăn nuôi 78 triệu USD, tăng 15,1%; đầu vào sản xuất 309 triệu USD, tăng 13,6%.
Theo Bộ NN&PTNT, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao như: sản phẩm gỗ 1,68 tỷ USD tăng 59%, cà phê 1,38 tỷ USD tăng 85%, rau quả 970 triệu USD tăng 72,8%, gạo 708 triệu USD tăng 49,8%, hạt điều 595 triệu USD tăng 68,2%, tôm 403 triệu USD tăng 20,5%. Riêng cá tra xuất khẩu chỉ đạt 224 triệu USD giảm 0,7%.
Kết quả trên cũng bởi, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng nông sản chính tăng như: gạo 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%;chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang khu vực châu Á đạt 4,55 tỷ USD tăng 43%; châu Mỹ 2,31 tỷ USD tăng 74,2%; châu Âu 1,28 tỷ USD tăng 52,6%; châu Đại Dương 135 triệu USD tăng 48,8% và châu Phi 129 triệu USD tăng 60,4%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 21,5%, tăng 77,3%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 21%, tăng 47,9% và Nhật Bản chiếm 7,2%, tăng 29,2%.
Cùng với xuất khẩu, thị trường hàng hóa nông sản trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn được bảo đảm; thị trường hàng hóa, cung - cầu trong và sau Tết nguyên đán tương đối ổn định, sức mua tăng và không có tình trạng tăng giá đột biến. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu được tiêu thụ mạnh như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trái cây,... nhất là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP chiếm ưu thế.
Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thowng mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
“Các hoạt động xuất khẩu gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản, đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo rằng sự hồi phục này là bền vững và không chỉ là một chu kỳ tạm thời trong nhu cầu thực phẩm trên các thị trường lớn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo đó, để thương hiệu nông lâm thuỷ sản Việt Nam giữ vững vị trí trên trường quốc tế, từng mặt hàng phải nhắm đến đối tượng người tiêu dùng cụ thể.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN&PTNT trọng tâm tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng NLTS chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Nhằm đảm bảo chất lượng cao cho các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng. Về lúa gạo, với tình trạng bất ổn chính trị đã ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu, Bộ NN&PTNT quyết tâm duy trì 7,1 triệu ha gieo trồng trên cả nước với 89% giống lúa chất lượng cao, đảm bảo sản lượng gạo. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam cần nâng cao năng lực và cải thiện trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu thủy sản, nhằm mở ra cơ hội tự chủ giống và phát triển các giống mới.