Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Huỳnh Thành Đạt trả lời cuộc phỏng vấn gần đây trên Báo Điện tử Chính phủ cho biết, kế hoạch quốc gia về chip của Việt Nam sẽ bao gồm các khoản tài trợ cho ngành thông qua quỹ khoa học và nghiên cứu chung của nhà nước với các công ty tư nhân như FPT, Viettel, VNPT, CMC...
Ngoài ra, các công ty từ Nvidia đến Samsung đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh chip của họ tại Việt Nam, dự kiến sẽ nhận được hàng triệu USD từ Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho biết thêm, Việt Nam cần đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia thống trị lĩnh vực chip. Mặc dù ông không nêu cụ thể các ưu đãi thuế theo kế hoạch, nhưng cho biết Việt Nam sẽ nới lỏng các chính sách để đưa chuyên gia nước ngoài vào lực lượng lao động, vốn đang phải đối mặt với tình trạng giấy phép lao động nước ngoài bị chậm lại gần đây.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành này vào năm 2030. Mặc dù Việt Nam có nền tảng giáo dục khoa học và công nghệ vững chắc, nhưng việc thiếu các kỹ năng tiên tiến đã hạn chế sự phát triển rộng hơn của chuỗi cung ứng điện tử. Và để đạt được mục tiêu đó, các trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam đang triển khai các lớp học bán dẫn với sự hợp tác của các nhà tuyển dụng như Samsung.
Cuối tháng 1 vừa qua, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung đã ký kết văn bản hợp tác triển khai chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.
Theo đó, sinh viên tham gia chương trình VNU-Samsung Technology Track sẽ được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn. Những sinh viên sau khi tốt nghiệp theo chương trình học bổng V-STT do Samsung tài trợ sẽ có cơ hội được làm việc trực tiếp tại Công ty Samsung ở Hàn Quốc trong lĩnh vực chip/bán dẫn.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với tờ Nikkei Asia gần đây, ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tiết lộ, Việt Nam đã thu hút hàng chục công ty trong lĩnh vực bán dẫn và có thể sẽ có thêm một số công ty Mỹ khác sẽ nhảy vào nếu Việt Nam có đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu xanh của họ.
Theo ông Jose Fernandez: “Có nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn có khả năng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói của Việt Nam. Rõ ràng, đất nước này có tiềm năng trở thành một cường quốc trong lĩnh vực bán dẫn”.
Ông cũng nói thêm rằng Việt Nam hiện đang là mục tiêu hàng đầu của các khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS của Mỹ, đây sẽ là một “huy hiệu” của sự tự tin và số tiền trợ cấp theo đạo luật này sẽ dựa trên đánh giá dự kiến vào khoảng tháng này.
Trên thực tế, cuộc chạy đua giành ưu thế về công nghệ của Washington và Bắc Kinh đã thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và các công ty liên quan tìm kiếm địa điểm thứ ba để tránh hậu quả và Việt Nam nổi lên như một điểm đến, thu hút sự quan tâm từ các công ty bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh có sự ổn định cao về chính trị, cùng với một nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ cao châu Á.
Vào tháng 12 năm ngoái, gã khổng lồ Apple lần đầu tiên chuyển nguồn lực kỹ thuật sang Việt Nam để phát triển sản phẩm iPad. Trước đó, hàng loạt các công ty toàn cầu lớn như Intel, Samsung, Qualcomm, SK Hynix … cũng đặt nền móng về về cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần cũng như các trung tâm nghiên cứu, từ đó nhằm biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các khoản đầu tư tiếp theo trong ngành.