Trao đổi với DĐDN, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “điểm rơi” dệt may kéo dài sang năm 2024, các doanh nghiệp cần chủ động vượt qua khó khăn, tìm lối đi riêng vừa để không bị rơi vào ách tắc vừa từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự phát triển và ổn định lâu dài.
– Thưa ông, kết thúc quý 2, bước sang quý 3/2023, dự báo ngành dệt may tiếp tục đối mặt với khó khăn. Điều này sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng của ngành trong năm nay?
Do hàng hoá tồn kho trên toàn cầu tương đối lớn, việc thiếu đơn hàng là tình trạng chung của ngành dệt may nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thiếu đơn hàng tập trung ở các mặt hàng giá rẻ, hàng dệt kim, denim; còn với mặt hàng giá trị gia tăng cao, có kết cấu và sản xuất phức tạp như veston đã có đơn hàng quay lại. Khó khăn của ngành dệt may do nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh COVID-19, suy thoái kinh tế, FED tăng lãi suất.
Người tiêu dùng tập trung dòng tiền cho chi tiêu lương thực thực phẩm thiết yếu hàng ngày, còn việc mua sắm sản phẩm dệt may hạn chế hơn.“Điểm rơi” này sẽ mất khoảng 3 năm, tức là kéo dài sang đến năm 2024 song sẽ không xuống đáy như thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 mà khôi phục dần dần.
– Yêu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn đã thay đổi, càng gia tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngành dệt may hoá giải những thách thức này như thế nào trong trước mắt và lâu dài, thưa ông?
Đúng là các thị trường nhập khẩu lớn đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe hơn như sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, xanh hoá sản xuất… bắt buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành dệt may sẽ đi đôi với ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hoá, nâng cao năng suất lao động. Có như vậy, chúng ta mới cạnh tranh được với các nước về giá thành, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng.
Để đảm bảo tăng trưởng trong năm 2023, trước mắt VITAS tập trung triển khai 4 giải pháp chính cũng là 4 sự chuyển dịch lớn mà doanh nghiệp bắt buộc cần phải thực hiện. Thứ nhất, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá khách hàng và đa dạng hoá chủng loại mặt hàng. Đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp dệt may. Thay vì phụ thuộc vào thị trường truyền thống, doanh nghiệp cần tìm ra những phân khúc thị trường riêng như thị trường của các nước khu vực SNG, thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc.
Thứ hai, thúc đẩy chiến lược phát triển đáp ứng đòi hỏi của các nước nhập khẩu: đầu tư sản xuất sơ, xợi, nhất các sản phẩm sơ/vải tái chế. Thứ ba, tăng dần tỷ trọng nội địa hoá nguyên phụ liệu may mặc qua các năm. Nếu không nâng cao năng lực để chủ động nguồn cung trong nước thì ngành dệt may khó có thể khai thác lợi ích từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia; trong khi đây chính là động lực kéo tăng trưởng của ngành trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Thứ tư, chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hoá…
Về lâu dài, để đi đến mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, xanh hoá là một tiêu chuẩn và doanh nghiệp cần xác định trọng tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư công nghệ để chuyển đổi. Chẳng hạn như việc đầu tư điện mặt trời áp mái để thụ hưởng lợi ích thiên nhiên ban tặng. Đây là giải pháp để doanh nghiệp chủ động và ổn định nguồn điện sản xuất, giảm giá thành điện trong chi phí đầu vào, giảm áp lực cạnh tranh về giá…
– VITAS có kiến nghị gì để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực và sự hỗ trợ để chuyển dịch thành công và vượt qua khó khăn, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần tiếp sức từ chính sách thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian thanh toán nợ để doanh nghiệp không chịu áp lực về dòng tiền thanh toán. Bên cạnh đó, nên có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để trả lương cho lao động trong những tháng đơn hàng thiếu hụt.
Ngoài ra, đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường… cần nguồn lực lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp mong muốn có được hỗ trợ từ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng, song việc tiếp cận của doanh nghiệp khá khó khăn. Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần có thể chế tài chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn.
– Trân trọng cảm ơn ông!