Theo đó, trong thời điểm mùa vải thiều đang vào vụ thu hoạch, đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Vifoco (một đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả đóng hộp, cấp đông cho thị trường trong nước và xuất khẩu ở tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ 7h sáng đến 14h ngày 6/6, mọi dây chuyền sản xuất của công ty đều bị ngưng trệ vì mất điện.
“Do doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh nên thuộc diện cắt điện ban ngày. Chúng tôi đang làm đơn gửi đơn vị điện lực xin hỗ trợ ưu tiên được cấp điện để tiếp tục hoạt động trong mùa cao điểm sản xuất”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Theo vị này, đặc thù công ty chuyên về chế biến nông sản, có kho lạnh bảo quản. Nhưng nhiệt độ kho lạnh chỉ giữ được 3-4 tiếng trong khi thời gian mất điện dài như sáng 6/6 khiến tất cả sản phẩm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Công ty cũng vừa cọc tiền để mua máy phát điện công nghiệp hơn 150 kVA 3 pha giá 200-300 triệu đồng.
Tại Hà Nội, một nhà máy sản xuất với quy mô hơn 1000 công nhân (đề nghị không nêu tên) cho biết, công ty đã ngừng sản xuất cả tuần nay vì thiếu điện. Máy phát điện được kích hoạt nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động ở khu văn phòng, không thể đảm bảo cho việc sản xuất.
“Doanh nghiệp đã rất chật vật để duy trì hoạt động trong thời gian qua do ảnh hưởng chung của thị trường, đến nay chúng tôi lại bị thêm “cú sốc” thiếu điện như hiện tại thì không biết có thể cầm cự tiếp được nữa không?”, đại diện doanh nghiệp này than thở.
Đáng chú ý, nhiều đơn vị khác tại các Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), hay KCN Thăng Long (Hà Nội), KCN Nội Bài (Hà Nội) những ngày qua đều buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi nhận kế hoạch cắt giảm điện 24h trong một số ngày do thiếu nguồn của phía điện lực.
Theo thông tin mới nhất, ba hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cảng biển và Logistics Việt Nam, gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vừa có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng về việc cung cấp điện cho các cảng khu vực cảng Hải Phòng.
Công văn cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng.
Đặc biệt, trong hoạt động khai thác cảng, với đặc thù phải luôn luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/07 cho tất cả các khách hàng, hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng – mạch máu của nền kinh tế… việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro, doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng.
Bên cạnh đó, các cảng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng điện xanh, sạch với chi phí đầu tư rất lớn. Do đó, việc cắt điện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng mà còn ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực cũng như có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
“Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao như hiện nay, các Hiệp hội hoàn toàn chia sẻ khó khăn tới ngành điện, tuy nhiên, vì tần suất cắt điện (theo kế hoạch và đột xuất) đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của cảng và dòng chảy của nền kinh tế”- văn bản nêu.
Mới đây, trong buổi thông tin về tình hình cung ứng điện, trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc bị mất điện những ngày qua, ông Trần Việt Hoà – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500 – 24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. “Nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày” – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói.
Ông Trần Việt Hòa cho biết, để xảy ra tình trạng thiếu điện là “trách nhiệm không thể biện minh”. “Thay mặt cơ quan Nhà nước và đơn vị chức năng, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân, chúng ta cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Hòa nói.
Cũng trả lời báo chí trên hành lang Quốc hội xung quanh vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cần phải thực hiện lời xin lỗi một cách đúng đắn, biến lời xin lỗi này thành hành động cụ thể, có trách nhiệm để lời xin lỗi đó không phải là lời xin lỗi suông.
Ông cho rằng, điều quan trọng nhất là cán bộ phải có trách nhiệm với lời xin lỗi. “Sau lời xin lỗi phải có hành động cụ thể, để lời xin lỗi đó phải thực sự xuất phát từ chính trái tim của người có trách nhiệm đến lĩnh vực này. Có như vậy mới nhận được sự công nhận, đánh giá cao của xã hội, của nhân dân”, đại biểu Bùi Hoài Sơn thẳng thắn nói.