Tại cuộc họp hội đồng cổ đông tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường nhận định, năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022 do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị.
Các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng đình lạm. Năm nay thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả 2 cuộc khủng hoảng trên diện rộng.
Với khủng hoảng nợ là một số ngân hàng tại châu Âu và Mỹ sụp đổ; khủng hoảng đình lạm thể hiện rõ khi lạm phát ở các quốc gia vẫn neo cao trong khi lãi suất ở mức thấp. Với cuộc khủng hoảng “kép” này, có khả năng sẽ mất tới 40 tháng để xử lý và thị trường xấu có thể kéo dài tới năm 2024.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu một số ngành chủ lực, trong đó có dệt may đang suy giảm. Ngoài yếu tố tác động từ bên ngoài do suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp dệt may còn chịu những áp lực khác làm giảm lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng. Đó là lãi suất cao hơn (9 – 11% trong 4 tháng đầu năm trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 – 7%), giá điện tăng…
Ngoài ra, trong các yếu tố năng lực cạnh tranh vĩ mô, theo nhận định của đại diện lãnh đạo Vinatex, Việt Nam đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa và thực hiện chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu cũng đang hiện rõ bởi quy mô đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh…
Trước những yếu tố tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam, theo Chủ tịch HĐQT Vinatex, một mặt tập đoàn liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định, trong đó chú trọng các giải pháp bảo tồn nguồn lực doanh nghiệp vượt qua năm kinh doanh nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực con người chất lượng cao và tài chính.
Mặt khác, tập đoàn tập trung xây dựng trong nội tại mục tiêu chiến lược “Một điểm đến” (one-stop) cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang, trong đó có giải pháp xanh cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may thế giới, với quy mô hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Mục tiêu đến năm 2025, Vinatex trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải/năm; từng bước nâng cao sản lượng sợi với mục tiêu 50% sợi nội bộ và 50% vải dệt kim được sử dụng cho ngành may với sản lượng 60 -70 triệu sản phẩm may mặc/năm.
Về lâu dài, tập đoàn cũng nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới nhằm xây dựng niềm tin trên cơ sở thực lực của doanh nghiệp, năng lực đem lại hiệu quả tối ưu cho toàn chuỗi.
Trước xu thế phát triển bền vững, tăng trưởng xanh được các đối tác nhập khẩu lớn trên thế giới theo đuổi, gắn liền với quá trình tái cơ cấu tập đoàn, Vinatex bổ sung gấp rút chiến lược thành phần mới, xây dựng “vũ khí” cạnh tranh trong giai đoạn bùng nổ kinh tế số, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn… Vinatex tuân thủ các cam kết và sáng kiến về ESG, xây dựng năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm với toàn bộ người tiêu dùng và thế giới nói chung. Tập trung cho các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch, nguyên liệu và sản phẩm tuần hoàn…