Đây là một trong những tinh thần chỉ đạo chính được đề cập trong Chỉ thị số 16/CT-TTg vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Với nhiều nỗ lực, cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho xã hội.
Tại báo cáo Chỉ số PCI 2023, các doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ đạt hơn 82,5%; thủ tục giấy tờ đơn giản (82,4%); thời gian giải quyết thủ tục hành chính rút ngắn so với quy định (86,8%).
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cải cách thủ tục hành chính được thực hiện một cách mạnh mẽ, tạo những thay đổi thực chất hơn. Theo nhận định được đưa ra Chỉ thị số 16/CT-TTg, qua kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương và phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính.
Tại báo cáo chỉ số PCI 2023, 20,4% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật, tương đương con số của năm 2022. Với khối doanh nghiệp FDI, theo khảo sát trên, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 5% thời gian cho các thủ tục hành chính trong năm 2022-2023 vẫn ở mức cao so với trước đại dịch.
Trong các lĩnh vực, đất đai có sự gia tăng đáng kể phản ánh của các doanh nghiệp. Khó khăn, trở ngại lớn mà doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong năm 2023 là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn niêm yết của văn bản quy định; cán bộ tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không hướng dẫn đầy đủ; quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định…
Ngoài ra, qua rà soát của VCCI, ở nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính được chỉ ra nhưng việc thay đổi, sửa đổi còn chậm. Có thủ tục, điều kiện kinh doanh bị chồng lấn, phức tạp ở nhiều lĩnh vực khiến chi phí thực thi lớn. Trong khi đó việc đổi mới cách thức quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiết giảm chi phí, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh còn ít.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký VCCI lấy đơn cử trong lĩnh vực thú ý và thức ăn chăn nuôi có quy trình quản lý chặt chẽ hơn thực phẩm khi các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP và công bố hợp quy (lấy mẫu, kiểm định mẫu và công bố). Tuy nhiên, đặc thù của sản xuất thực ăn chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào có nhiều loại. Nếu lấy mẫu nhỏ trong thời kỳ nhất định để đánh giá sản phẩm sẽ không có nhiều ý nghĩa do nguyên liệu sản xuất thay đổi.
Chưa kể, chi phí lấy mẫu khá tốn kém, doanh nghiệp chi một khoản tiền nhất định và được tính vào giá thành sản phẩm. Điều này có thể hạn chế năng lực cạnh tranh của các ngành hàng.
Chi phí thực thi thủ tục hành chính tác động rất lớn đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Thực tế trên cho thấy, gánh nặng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vẫn cần phải thúc đẩy cắt giảm. Ông Đậu Anh Tuấn cũng kiến nghị: cải cách thủ tục hành chính cần tạo những thay đổi thực chất hơn và đảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tế.
Trong khi đó, tại Chỉ thị số 16/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tập trung xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…
Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản… và gắn với số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính...