“Con bài” bí mật của Lazada?
Mới đây, theo dữ liệu từ Alternative.pe, một nền tảng dữ liệu và thông tin chi tiết dành cho các quỹ tư nhân, công ty công nghệ đa quốc gia Trung Quốc Alibaba đã rót 230 triệu USD Lazada, nền tảng thương mại điện tử tập trung vào Đông Nam Á.
Trong năm ngoái, công ty được cho là đã bơm 353 triệu USD vào tháng 4 năm 2023, tiếp theo là 845,4 triệu USD vào tháng 7 năm 2023 và cuối cùng là 634 triệu USD khác vào tháng 12 năm 2023. Như vậy, Alibaba đã rót tổng cộng 1,8 tỷ USD vào Lazada chỉ trong năm 2023.
Thời điểm này, theo các nhà phân tích trong ngành nhận định, nguồn tài trợ mới này của Alibaba xuất hiện khi những người chơi thương mại điện tử trong khu vực chuyển sang các lựa chọn chiến lược chi phí giá thấp để vượt lên trên đối thủ.
Vào tháng 8 năm ngoái, Lazada đã ra mắt “Choice”, một kênh nhằm mục đích “mang những sản phẩm có giá trị tốt nhất trên thế giới đến với người tiêu dùng Đông Nam Á”. Bên cạnh Lazada, Choice cũng ra mắt trên các sàn TMĐT quốc tế khác của Alibaba như AliExpress.
Choice là nỗ lực của Alibaba trong việc cạnh tranh với các sàn TMĐT giá rẻ như Temu và Shein bằng cách hợp tác trực tiếp với các nhà sản xuất và trợ giá họ để giảm giá thành khi tới tay người dùng cuối. Temu, sàn TMĐT thuộc sở hữu của PDD Holdings (Trung Quốc), đã mở rộng hoạt động sang Philippines cùng tháng “Choice” ra mắt trên Lazada. Sau đó, vào tháng 9, Temu có mặt ở Malaysia.
Choice hiển thị các sản phẩm có giá từ 0,064 USD đến 1,9 USD ở Indonesia. Ở Phlippines, mức giá của các sản phẩm trên Choice dao động từ 0,077 USD đến 2,84 USD. Ngoài ra, Choice cũng áp dụng cơ chế giá phí giao hàng và giảm giá cho khách hàng mua từ ba sản phẩm trở lên.
“Cuộc chiến” giá thấp ở Đông Nam Á?
Theo nhận định của tờ Tech in Asia, những động thái nói trên cho thấy một cuộc chiến về giá lại đang nhen nhóm ở sân chơi TMĐT Đông Nam Á.
Để có thể đưa ra mức giá siêu rẻ, Temu dùng mô hình kinh doanh “quản lý toàn bộ”. Với cách tiếp cận này, Temu thực hiện mọi thứ từ nhà kho tới dịch vụ khách hàng. Điều này cho phép sàn TMĐT này thay mặt các nhà sản xuất Trung Quốc quyết định mức giá. Bên cạnh đó, Temu cũng tận dụng năng lực và mạng lưới các nhà bán hàng của sàn TMĐT chị em Pinduoduo để có thể có được các mức giá thấp nhất.
Temu đang nhanh chóng trở thành một con bài quan trọng của công ty mẹ PDD. Trong quý IV/2023, PDD đã thu về 12,35 tỷ USD doanh thu, cao hơn mức dự đoán của giới đầu tư 1,35 tỷ USD.
Tương tự Temu, Choice của Lazada cũng chủ yếu có nguồn hàng từ Trung Quốc. Thí dụ, để thu hút các nhà bán hàng Choice tại Việt Nam, Lazada áp dụng hàng loạt ưu đãi như duy trì phí hoa hồng 0%, chi trả nhanh và đặt sản phẩm ở các vị trí đáng chú ý. Chính sách này được Lazada gọi là Lazada Choice Shop.
“Bất kỳ một sàn TMĐT nào hứa hẹn giá thấp, dù là qua trợ giá hay cung cấp sản phấm giá rẻ, cũng rất hấp dẫn với người tiêu dùng Đông Nam Á”, Simon Torring, đồng sáng lập công ty Cube Asia, cho biết.
Hiện tại, Alibaba có vẻ đang muốn đặt cược vào Choice để vực dậy khả năng cạnh tranh của mình trong khu vực. Jiang Fan, CEO mảng Alibaba International Digital Commerce (AIDC), nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Đông Nam Á. Fan cũng nhấn mạnh Alibaba sẽ “đầu tư lớn” vào Choice vì Alibaba tin rằng mô hình kinh doanh mới sẽ “giúp giữ chân người dùng tốt hơn”.
Theo kết quả báo cáo tài chính gần đây của Alibaba, Choice tỏ ra là một chiến lược thành công, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của công ty. Alibaba tuyên bố rằng AliExpress, một nền tảng công ty con, đã chứng kiến sự tăng trưởng đơn hàng mạnh mẽ hàng năm được thúc đẩy bởi Choice, mang lại khả năng cạnh tranh về giá và tốc độ giao hàng cao. Trên thực tế, Choice chiếm tới 70% tổng số đơn đặt hàng của AliExpress tính đến tháng 4 năm 2024.
Có thể thấy, những gì sẽ xảy ra tiếp theo ở TMĐT Đông Nam Á vẫn còn là một ẩn số, song có một điều chắc chắn là cuộc chiến về giá sẽ khiến người dùng được hưởng lợi.