Theo các doanh nghiệp đại chúng, nền móng tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán nói chung và bản thân các doanh nghiệp nói riêng không thể thiếu điểm tựa từ các chính sách của Chính phủ. Để phác thảo bức tranh thị trường và xây dựng những định hướng rõ ràng, bước tiến trong việc thoả mãn các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán phát triển.
Nhận diện xu hướng và triển vọng thị trường chứng khoán.
Từ góc độ của các doanh nghiệp đại chúng, top 5 nhóm ngành tiềm năng như: Ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản, dầu khí có nhiều cổ phiếu tăng trưởng. Đều phải dựa bốn tiêu chí quan trọng thường được xem xét là kết quả kinh doanh - phản ánh hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, định giá hợp lý - thường tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) thấp hơn so với mức trung bình ngành hoặc có tỷ lệ P/B (giá/giá trị sổ sách) hấp dẫn, thu hút dòng tiền - thường đi kèm với tính thanh khoản cao và có yếu tố vĩ mô hỗ trợ - đảm bảo rằng doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường kinh tế thuận lợi.
Với tỷ lệ 88,9% số doanh nghiệp lựa chọn, ngân hàng là trụ cột quan trọng của thị trường đã ghi nhận năm thứ hai liên tiếp nắm giữ vị trí số một trong số các ngành được dự báo có thể ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất. Thực tế, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của 27 ngân hàng tăng 9,6%, với sự phân hóa rõ rệt về mức sinh lời giữa các ngân hàng. Dù trong các quý tới, ngành này cũng còn nhiều thách thức liên quan đến vấn đề nợ xấu, rủi ro từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn và thị trường bất động sản cần thời gian để giải quyết vấn đề pháp lý còn tồn đọng, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay nhìn chung sẽ khả quan hơn năm 2023.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng – ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn có thể thu hút dòng tiền khi các quỹ lớn vẫn thường nhắm vào những nhóm ngành trọng điểm. Hơn nữa, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ 1/7 năm nay với những sửa đổi hướng tới nâng cao tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và tăng tính ổn định của ngành ngân hàng, được kỳ vọng sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài cho thị trường ngân hàng.
Kết quả khảo sát năm 2024 chứng kiến bất động sản đã quay trở lại top những nhóm ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp đại chúng. Dù kết quả kinh doanh trong quý 1 của ngành kém sắc, cổ phiếu của ngành vẫn được đặt kỳ vọng với điểm tựa từ câu chuyện hỗ trợ chính sách. Tâm lý thị trường cải thiện nhờ động lực đến từ ba Luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) đã được Quốc hội thông qua và thậm chí đang được Chính phủ đề xuất có hiệu lực sớm hơn 6 tháng từ ngày 01/7/2024, cùng các thông tư, nghị định góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; các chính sách tín dụng dần được nới lỏng, lãi suất cho vay giảm dần thẩm thấu. Nguồn cung và mức hấp thụ của thị trường bất động sản trong năm 2024 được kỳ vọng cải thiện so với năm 2023, khi chủ đầu tư và nhà đầu tư tự tin hơn về sự hồi phục của thị trường và các dự án hạ tầng trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện. Đặc biệt, trọng tâm của kỳ vọng lạc quan về cổ phiếu nhóm ngành này nằm ở bất động sản khu công nghiệp với nguồn cung khu công nghiệp mới được đẩy mạnh mở khóa để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ làn sóng FDI thứ 4 chảy vào Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025.
Với bán lẻ, động lực chính đến từ triển vọng kinh doanh hấp dẫn và việc hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô cải thiện. Ngành đã có tín hiệu thoát đáy với cuộc trở lại “ngoạn mục” về tăng trưởng lợi nhuận trong hai quý gần nhất. Điển hình, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của ngành bán lẻ đã tăng mạnh 367% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất trong 6 quý.
Ngoài ra, top 5 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của ngành công nghệ thông tin với triển vọng vững chắc về nhu cầu chi tiêu công nghệ tăng lên trong xu thế chung của cả thế giới và ngành dầu khí trong bối cảnh giá dầu ở mức cao khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt, cùng động lực chính từ Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn và các dự án dầu khí lớn Lạc Đà Vàng, Cá Voi Xanh được kỳ vọng được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, hoạt động thăm dò và khai thác sôi động hơn sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng của các công ty thượng nguồn.
Khai thông các điểm nghẽn để được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Nhận định về thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, phần đông doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát đặt niềm tin rằng năm 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu dấu mốc này. Trong đó gần một phần ba số doanh nghiệp tin tưởng vào kịch bản nâng hạng vào nửa đầu năm sau và 44,4% số doanh nghiệp tin tưởng rằng nửa cuối năm 2025 sẽ ghi nhận sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi các nút thắt tồn tại trên thị trường được sớm cởi bỏ trong những tháng còn lại của năm 2024.
Mặc dù ghi nhận những bước tiến trong việc thoả mãn các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán, vẫn còn những điểm nghẽn cần sớm khai thông để thu hẹp khoảng cách giữa thực tế và việc hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này. Cho tới nay, theo MSCI và FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn những vướng mắc tồn tại liên quan đến công bố thông tin bằng tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài… Trong đó, điểm nghẽn chính khiến thị trường vẫn chưa chính thức được nâng hạng được cho là nằm ở hai nhóm lý do: Vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Pre-funding) và Vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit). Như vậy, để hiện thực hóa mục tiêu, đòi hỏi những cải cách sâu rộng và toàn diện được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Tài chính và UBCKNN đang lấy ý kiến trong việc sửa đổi một số các thông tư trọng yếu bao gồm Thông tư số 96/2020/TT-BTC (hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán), Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 (uy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, TPDN, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán), Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 (quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán), Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 (quy định về hoạt động của công ty chứng khoán). Các dự thảo nếu được thông qua sẽ gia tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho các công ty chứng khoán trong việc đưa ra quyết định giao dịch ký quỹ không đủ 100% của nhà đầu tư nước ngoài và đưa ra lộ trình cụ thể đối với các thành viên trên thị trường, đặc biệt là công ty đại chúng nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư ngoại.
Dù hàng lang pháp lý đã đạt được những bước tiến nhất định, việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán vẫn duy trì vị trí quan trọng hàng đầu trong số các chính sách trọng tâm để hỗ trợ thị trường chứng khoán, với sự đồng thuận của 100% số doanh nghiệp. Giai đoạn tới, đây tiếp tục là yếu tố nền tảng cùng với tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh lọc hoạt động thị trường mang lại sự rõ ràng, minh bạch và ổn định cho thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững. Mặt khác, tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch và thanh toán để triển khai các sản phẩm tài chính mới nằm trong số những chính sách ưu tiên hàng đầu đã tăng mạnh từ 45,7% lên 88,9%, phản ánh nhu cầu cấp bách của thị trường đối với việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng phức tạp và đa dạng.
Bước trưởng thành của kênh huy động vốn quan trọng này sẽ là minh chứng cho sự ổn định và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, các đối tác quốc tế có quy mô lớn và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện thực hóa mục tiêu sẽ cung cấp nguồn vốn cổ phần gia tăng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam, một nền kinh tế đa dạng, ổn định hơn, và tính thanh khoản tăng cao hơn cho cả thị trường vốn và cổ phiếu. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, TTCK được nâng hạng bởi cả FTSE và MSCI có thể mang lại lên tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.Hơn nữa, việc nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi” được nhận định không chỉ là bước ngoặt quan trọng của TTCK mà còn là một trong những động lực phát triển về lâu dài cho các doanh nghiệp niêm yết.
Có thể thấy, cơ quan quản lý đang có những nỗ lực tích cực trong việc chủ động tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt trong phạm vi thẩm quyền, dồn mọi nguồn lực hướng tới đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm đạt cộc mốc trưởng thành.