Chiến lược mới của mì Hảo Hảo

Hảo Hảo vừa cho ra mắt dòng sản phẩm mì ăn liền 100g

Dòng sản phẩm mới này tên là Hảo Hảo Big 100g. Giống như tên gọi, khối lượng gói mì là 100g, tăng khoảng 30% so với các sản phẩm thông thường. Theo chia sẻ từ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam và thương hiệu Hảo Hảo, sản phẩm mới sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về khẩu phần ăn lớn hơn, giúp bữa ăn no bụng, thỏa mãn hơn.

Đây cũng là kết quả từ việc theo dõi và nắm bắt nhu cầu khách hàng. Theo một kết quả điều tra khảo sát thói quen sử dụng mì ăn liền Hảo Hảo của hơn 2.000 người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2023, một lượng lớn cho biết ăn một gói Hảo Hảo 75g thì chưa no, còn ăn hai gói lại quá nhiều. Họ mong muốn một thứ gì đó vừa tầm “gói rưỡi Hảo Hảo”.

Việc ra mắt Hảo Hảo Big 100g đã được tính toán cẩn thận và có tham khảo từ những chiến dịch trước. Cụ thể vào năm 1988, công ty mẹ Acecook Nhật Bản đã cho ra đời sản phẩm có tên “Super Cup” và được đón nhận rộng rãi, trở thành biểu tượng cho dòng mì cỡ lớn tại Nhật. Vậy nên với sản phẩm Hảo Hảo Big, Acecook Việt Nam hy vọng họ có thể tái lập thành công này tại thị trường trong nước.

Không chỉ vậy, Hảo Hảo Big 100g còn được cho là sản phẩm để Hảo Hảo nâng cao tính cạnh tranh với các thương hiệu mì Hàn Quốc.

Nói về mì ăn liền, vị thế của các thương hiệu mì Hàn Quốc là điều không thể bàn cãi. Tháng 4/2024, hãng Yonhap đưa tin xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu USD. Con số cụ thể là 108,6 triệu USD, tăng 46,8% so với một năm trước. Đây cũng là tốc độ tăng nhanh nhất của xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc kể từ tháng 5/2022. Năm ngoái, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc ghi nhận mức cao kỷ lục 952 triệu USD, tăng 24,4% kể từ năm 2022. Dự kiến trong năm 2024, con số này sẽ vượt 1 tỷ USD.

Mì ăn liền Hàn Quốc đạt được thành tích ấn tượng như vậy là nhờ chiến dịch xuất khẩu văn hóa ẩm thực của của quốc gia Đông Á này. Hay nói cách khác là nhờ sự phổ biến của những sản phẩm văn hóa như phim ảnh hoặc âm nhạc.

Chẳng hạn với sự thành công của bộ phim Ký sinh trùng (Parasite), món mì Chapaguri (mì tương đen trộn với mì cay) đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, thúc đẩy doanh số xuất khẩu mì của Hàn tăng trưởng hai chữ số.

Hoặc trong bất kỳ bộ phim Hàn Quốc nào, người xem cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh các nhân vật xì xụp húp mì ăn liền ngon lành. Sự phát triển của làn sóng Hallyu từ những năm 2000 đến nay đã góp phần đưa mì ăn liền Hàn Quốc vươn xa hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Là một quốc gia ưa chuộng nền giải trí Hàn Quốc, vậy nên Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của mì ăn liền Hàn Quốc.

Chiến lược mới của mì Hảo Hảo

Vị thế của các thương hiệu mì Hàn Quốc là điều không thể bàn cãi

Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba về quy mô tiêu thụ, với 8,56 tỷ gói trong năm 2021. Thị trường mì ăn liền Việt Nam đang có sự góp mặt của khoảng 50 nhà sản xuất lớn, trong đó Acecook Việt Nam, Masan và Asia Food chiếm 70%. Phần còn lại thuộc về những tay chơi ngoại quốc, trong đó nổi bật là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc.

Phổ biến hàng đầu là thương hiệu Koreno đến từ Paldo. Họ thành lập pháp nhân tại Việt Nam từ năm 2006 và xây dựng nhà máy rộng gần 12.000m² ở Phú Thọ năm 2013. Năm 2017, doanh thu thuần của Paldo Vina đạt hơn 470 tỷ đồng. Đến năm 2021, con số này tăng gấp đôi, đạt hơn 910 tỷ đồng.

Tương tự vậy, Ottogi cũng thành lập pháp nhân tại Việt Nam từ năm 2006. Đến giai đoạn 2016-2018, họ quyết định đẩy nhanh việc thâm nhập thị trường bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất mì ăn liền ở Bắc Ninh. Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, doanh thu Ottogi tăng trưởng thấy rõ. Năm 2018, họ thu về 470 tỷ doanh thu thuần. Đến năm 2020, con số này đạt hơn 680 tỷ, sau đó vượt mốc 900 tỷ năm 2021.

Hoặc Nongshim cũng là cái tên đáng chú ý dù thâm niên tại Việt Nam không bằng. Ở thị trường quốc tế, họ là nhà sản xuất mì ăn liền đứng thứ 5. Ở thị trường Hàn Quốc, họ chiếm 55% thị phần. Còn tại Việt Nam, đến năm 2020 Nongshim mới đẩy mạnh các hoạt động quảng bá. Thế nhưng chỉ trong năm đầu hoạt động, doanh thu của Nongshim Việt Nam đã vượt mốc 100 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu tăng gần 11%, với biên lợi nhuận gộp trên 21%.

Trái ngược với việc “ăn 1 gói Hảo Hảo thì thiếu mà ăn 2 gói thì thừa”, khối lượng 1 gói mì Hàn có vẻ phù hợp với 1 bữa của người Việt hơn. Một gói mì Hàn có khối lượng tịnh 120-200g, còn mức tiêu chuẩn của các nhà sản xuất Việt Nam là 80g.

Trong khi đó, theo như khảo sát của Acecook, trọng lượng 75-80g mì như vậy chưa đủ no đối với người tiêu dùng Việt Nam. Sự thiếu hụt này vô hình trung cũng khiến mì Hàn trở nên được lòng người tiêu dùng hơn, mì Hàn trở thành mối đe dọa với mì Việt nói chung và Hảo Hảo nói riêng.

Trước nguy cơ ấy, không quá khó hiểu khi Hảo Hảo ra mắt phiên bản Big 100. Đó vừa là một cách hay để cho thấy họ luôn quan tâm đến ý kiến người tiêu dùng, vừa là chiến lược để “ngáng chân” mì Hàn và tăng sức cạnh tranh cho mình.