Trong 20 ngày đầu tháng 12, tín dụng của toàn nền kinh tế đã tăng thêm 1,7%, tốc độ bơm vốn mạnh nhất kể từ đầu năm nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 1403 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm trong việc tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo Chính phủ đã liên tục ra các văn bản đốc thúc ngành ngân hàng sau khi tín dụng tăng trưởng khá ì ạch nửa đầu năm do sức cầu yếu, kinh tế gặp khó.
Sau những chỉ đạo điều hành quyết liệt, tính đến 20/12, tín dụng đã tăng 10,85%, tương đương khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất cuối năm. Đặc biệt, vốn tăng nhanh hơn sau khi NHNN quyết định nới hạn mức tín dụng cho các NHTM đã đạt trên 80% chỉ tiêu.
Trong công điện mới ban hành, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc điều hành công cụ room tín dụng cần linh hoạt hơn.
20 ngày đầu tháng 12, tín dụng của toàn nền kinh tế đã tăng thêm 1,7%, tốc độ bơm vốn mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Nhiều ngân hàng đã tăng tín dụng vượt hạn mức được cấp đầu năm. Sau khi các NHTM được chủ động triển khai phân bổ hạn mức đầu tháng thay vì việc phải xin nới room từ NHNN như trước kia.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nói: "Các lần trước ấn định một số cụ thể với một ngân hàng cụ thể được bao nhiêu, còn lần này là căn cứ chung thì NH nào đạt được tiêu chí đó thì chủ động tăng, điều này là sự tiến bộ của NHNN cho room chủ động hơn. Chúng tôi kỳ vọng rằng trong năm tới việc phân bổ room sẽ được rộng rãi hơn ngay từ đầu năm, như vậy, các NHTM có thể chủ động hơn trong việc phân bổ tăng trưởng tín dụng như thế nào".
Trong bối cảnh dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao, khoảng 125% năm 2022 và tiếp tục xu hướng tăng qua các năm.
Giới tài chính cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế là vẫn cần thiết. Bởi đây vẫn là công cụ để kiểm soát việc bơm vốn, để thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả, phù hợp với thực tế, đảm bảo các cân đối vĩ mô.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nói: "Việc điều hành chính sách tiền tệ bằng room tín dụng nó mang tính chất hành chính, nhưng nó đảm bảo trong năm đó tín dụng chỉ tăng từng đó thôi. Trong trường hợp chúng ta bỏ room tín dụng nhưng trường hợp các công cụ thị trường chưa đủ sẽ ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ trong thời gian tới, gây ra vấn đề như bong bóng tài sản tài chính, dòng tiền không vào sản xuất mà vào chứng khoán hay bất động sản, tăng cung tiền 1 cách nhanh chóng có thể gây cú sốc cho nền kinh tế".
Tuy nhiên, với từng ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, NHNN có thể tăng sử dụng các giải pháp kỹ thuật thay thế, như kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hay tỷ lệ an toàn vốn CAR hay cho phép tăng dư nợ dựa trên năng lực của từng tổ chức thay vì phân bổ tín dụng bằng chỉ tiêu bình quân, theo phân hạng ngân hàng theo nhóm như hiện nay. NHNN có thể triển khai thử nghiệm từng bước.
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn - Công ty Chứng khoán MB, nói: "Các ngân hàng sẽ có kế hoạch trong việc phân bổ room tín dụng như thế nào và tăng trưởng tín dụng như thế nào gửi lên cho NHNN. Điều này sẽ làm cho các ngân hàng sẽ tự chủ hơn trong kế hoạch của mình, làm cho các ngân hàng chủ động hơn, linh động hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình. Việc làm này theo quan điểm của tôi sẽ mang tính thị trường hơn và các ngân hàng sẽ được tự chủ hơn".
Thực tế tháng cuối cùng của năm 2023 cho thấy, khi các ngân hàng được chủ động tăng tín dụn, thì tín dụng đã đi rất nhanh. Có ngân hàng chỉ trong 2 tuần đã tăng thêm được 4-5% tín dụng.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...