Lũy kế 11 tháng năm nay, tổng số thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là trên 8.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372 gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Công điện được ban hành trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành thuế hiện nay đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách. Trong khi một số sắc thuế giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, thu thuế đối với thương mại điện tử ngày càng khởi sắc. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng số thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là trên 8.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Trong tổng số hơn 8.000 tỷ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp, có 6.820 tỷ đồng được kê khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay. Số nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai và nộp thuế tăng thêm 17 đơn vị so với cuối tháng 6/2023. Hiện nay Tổng cục Thuế đang rà soát dữ liệu lớn để tiếp tục quản lý chặt chẽ loại hình thuế này.
Hiện nay ngành thuế đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Trong trường hợp phát hiện các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu ở Việt Nam, chúng tôi sẽ lập tức liên hệ, phối hợp tuyên truyền, yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký để đảm bảo nghĩa vụ của mình. Trường hợp phát hiện các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu nhưng cố tình chây ỳ không đăng ký thì chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp nghiệp vụ cứng rắn để đảm bảo tuân thủ pháp luật của Việt Nam", ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho biết.
Việc quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử cũng dần được siết chặt. Đến nay, 375 sàn thương mại điện tử đã gửi dữ liệu cung cấp thông tin người kinh doanh cho cơ quan thuế.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...