Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã chuyển từ một doanh nghiệp thua lỗ sang có lãi hàng nghìn tỷ đồng.
193.400 tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2023, triển khai kế hoạch 2024. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những vấn đề hậu COVID-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ môi trường quốc tế, nhiều yếu tố không thuận lợi đã phát sinh, ảnh hưởng tới việc thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách của năm 2023.
Cán cân thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 đang khá cân đối. Tính đến ngày 25/12/2023 kết quả thu ngân sách Nhà nước đạt 1,693 triệu tỷ đồng, tăng 104,5% so dự toán năm. Trong đó chi NSNN ước đạt 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Có được kết quả này là sự nỗ lực lớn của ngành Tài chính, khi trong năm cán cân thu chi đôi lúc cũng bị nghiêng, khi chi nhiều mà thu lại ít.
Điển hình, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 619,36 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đóng góp lớn cho ngân sách đã giảm sâu như: Sản xuất điện thoại giảm 10%; Lắp ráp ô tô giảm 33%; Bất động sản giảm 26%; Chứng khoán giảm 25%... Đã ảnh hưởng tới kết quả thu ngân sách của hầu hết các tỉnh, thành.
Kinh tế khó khăn, nguồn thu phát sinh thấp, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn chi 193.400 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, miễn giảm thuế phí, tiền thuê đất là 78.400 tỷ đồng, gia hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng.
Việc chi hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả "kép", như một mũi tên mà trúng hai đích, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, sau đó quay trở lại đóng góp vào Ngân sách.
Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã chuyển từ một doanh nghiệp thua lỗ sang có lãi hàng nghìn tỷ đồng
Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, với việc được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, giá thành những bao đạm của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã rẻ hơn trước, nhờ đó mà đã cạnh tranh được với các mặt hàng phân bón nhập khẩu. Hàng sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.
Từ đề án tái cơ cấu cùng trợ lực miễn giảm thuế, phí từ Quốc hội, Chính phủ, trong năm 2023, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã chuyển từ một doanh nghiệp thua lỗ sang có lãi hàng nghìn tỷ đồng. Việc sản xuất kinh doanh đã phục hồi mạnh mẽ khi 90% các giàn máy dây chuyền đã hoạt động hết công suất.
"Việc giảm thuế VAT giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, kéo theo đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Ở chiều ngược lại thì khi doanh nghiệp phát triển, kinh doanh có hiệu quả thì sẽ có cơ hội thực hiện các chính sách thuế với Nhà nước, với địa phương", ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết.
Còn với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang, trong năm 2023, doanh nghiệp đã được thụ hưởng hai chính sách về thuế, vừa được giảm thuế VAT 2%, vừa được giãn nộp thuế, với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhờ vậy mà doanh nghiệp đã có thêm số vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
"Ngoài sản xuất trong nội địa chúng tôi còn tiếp tục xuất khẩu. Năm 2023, công ty đã xuất khẩu tới 40% ra nước ngoài. Khi tăng cường sản xuất giúp doanh số tăng lên, nộp thuế cũng tăng cũng như giải quyết được công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên và người lao động", ông Hà Ngọc Hoa, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang nhấn mạnh.
Theo thống kê, tổng thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Bắc Giang ước đạt trên 14.800 tỷ đồng, đạt gần 150% dự toán Trung ương.
Tiếp tục đề xuất giảm thuế, phí
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, năm 2023, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo ngành Thuế rà soát các nguồn thu, tăng cường quản lý thu từ các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.
Nhờ đó, mà một số sắc thuế thu đã khởi sắc, trong đó nổi bật là thu thuế qua thương mại điện tử. Lũy kế 11 tháng 2023, tổng số thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là trên 8.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), trong trường hợp phát hiện các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu ở Việt Nam, thì ngành Thuế sẽ lập tức liên hệ, phối hợp tuyên truyền và yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ đăng ký để đảm bảo nghĩa vụ của mình. Trường hợp phát hiện các nhà cung cấp nước ngoài có doanh thu mà cố tình không đăng ký thì sẽ áp dụng biện pháp nghiệp vụ cứng rắn để đảm bảo là tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp để chuẩn bị cho nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 được Quốc hội giao là hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, một trong giải pháp quan trọng đó là tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp.
"Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và mỡ nhờn, Bộ Tài chính đã trình tiếp tục giảm 50% như Nghị quyết 30. Bộ cũng đã trình và Quốc hội đã thông qua việc giảm 2% thuế VAT cho hàng hóa chịu thuế suất 10%, với tổng mức giảm là 25.000 tỷ đồng. Chúng tôi hy vọng đây là nguồn trợ lực quan trọng giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực từng bước phục hồi, duy trì nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết.
Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép "vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất", qua đó đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...