Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai xin ý kiến tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngày 11/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 22/10/2015. Đến tháng 1/2022 được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 18/QĐ-UBND. Dự án này được đầu tư quy mô 64,65ha (tương đương 646.530m2) với tổng vốn 1.600 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025.
Đáng chú ý, theo ĐTM, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được đầu tư xây dựng tại khu đất thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa (VQGNC). Khu đất thực hiện Dự án thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150 có 11,58ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,60 ha; rừng trồng 0,98 ha). Là rừng đặc dụng, thuộc phân khu dịch vụ hành chính, do Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý.
Tại ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng nêu rõ, căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”.
Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 12 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Mặc dù quy định tại Điều 24 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ nêu rõ, khi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm các nguyên tắc như: Không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng. Các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường. Bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử – văn hóa…
Tuy nhiên, tại ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng lại chỉ rõ rất nhiều khu vực chịu tác động, ảnh hưởng từ công trình thi công và hoạt động của dự án.
Cụ thể, các khu vực như: nghĩa trang của người dân xã Vĩnh Hải (cách 100 mét về phía Đông Bắc); Dân cư khu vực xã Vĩnh Hải, trường mầm non Vĩnh Hải (cách 600 mét về phía Tây); Đồn biên phòng Vĩnh Hy (cách 700 mét về phía Tây) sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp bởi quá trình thi công và hoạt động của dự án do Công ty Syrena Việt Nam làm chủ đầu tư.
Hệ thống sông suối, ao, hồ, kênh mương xung quanh dự án như: suối Lồ Ồ (cách 1,2km – là nguồn cấp nước cho khu vực), hồ Vách Đá (cách 2,5km), hồ An Dú cũng sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp từ quá trình thi công, hoạt động của dự án.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan Vườn quốc gia Núi Chúa. Bởi dự án chỉ cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiệm ngặt hệ sinh thái và cảnh quan của Vườn quốc gia Núi Chúa 50 mét.
Không chỉ vậy, vị trí xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy còn ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Vĩnh Hy (cách dự án 100 mét). Bên cạnh là nơi trú ngụ, tránh bão của gần 200 tàu cá ngư dân, vịnh Vĩnh Hy còn là địa điểm quan trọng trong việc phục vụ du lịch của tỉnh Ninh Thuận. Dọc ven biển xung quanh khu vực dự án triển khai (gần nhất cách dự án 150 mét) có rạn san hô phong phú cùng với các loài thuỷ sản đa dạng, nơi đây là khu vực lặn ngắm san hô của rất nhiều khách du lịch.
Cách dự án không xa (tầm 1,2km về phía Tây) còn có đầm nuôi hải sản với diện tích hơn 5,7 ha của người dân thuộc huyện Ninh Hải. Theo ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng chỉ rõ, nơi đây cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công xây dựng và hoạt động của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy.
Đáng chú ý, ĐTM của dự án cũng nhận định trong quá trình chuẩn bị, thi công, hoạt động dự án cũng tác động trực tiếp đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ động, thực vật tại Vườn Quốc gia Núi Chúa
Cụ thể, quá trình thực hiện dự án, Vườn Quốc gia Núi Chúa sẽ đưa ra kế hoạch tận thu lâm sản, dự kiến sẽ thực hiện di dời, chặt hạ với số lượng tối đa khoảng 9.326 cây (tương đương trữ lượng gỗ 271,911 m3) tại phần diện tích xây dựng dự án. Theo ĐTM, việc này sẽ làm làm mất đi phần lớn diện tích rừng, gây ô nhiễm tạm thời và có thể gây ra sự chia cắt manh mún cục bộ (các vật cản vật lý và các xáo trộn cục bộ cho sự di chuyển của các loài) của toàn bộ các sinh cảnh khu vực Dự án và lân cận, giảm khả năng tái sinh của thảm thực vật sau này.
Trong quá trình thi công, việc phá rừng, đào bới, san lấp, kèm theo tiếng ồn, sự ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí sẽ làm thay đổi đáng kể thành phần loài tại khu vực dự án và lân cận (thường là bị suy giảm vì nhiều loài bị giết hại hoặc phải di chuyển đi nơi khác do sinh cảnh sống của chúng bị xoá sổ hoặc bị xáo trộn, không còn thích hợp để sinh sống)
Đặc biệt, khu vực dự án có một số loài quý hiếm nằm trong danh mục bảo tồn. Do vậy, việc thi công Dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm.
Ngoài ra, nếu việc quản lý công nhân không tốt, ý thức công nhân không cao sẽ xảy ra việc săn bắt các loài động vật hay khai thác gỗ trái phép càng làm suy giảm chất lượng sinh cảnh khu vực dự án nói riêng, Vườn Quốc gia Núi Chúa nói chung.
Được biết, Ninh Thuận là tỉnh nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt – Nha Trang – Phan Rang, có nhiều thắng cảnh đẹp, các di tích lịch sử và di sản văn hóa còn lưu giữ, là điều kiện phát triển các khu du lịch có tầm cỡ trong nước và quốc tế.
Khu vực Núi Chúa nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, nằm trong không gian du lịch vịnh Cam Ranh có nhiều lợi thế phát triển. Ngày 01/4/1998 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-TH về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên rừng khô hạn Núi Chúa trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Ngày 09/7/2003 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 134/2003/QĐ-TTG phê duyệt chuyển Khu BTTN Núi Chúa thành VQGNC trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam được ban hành, mở ra cơ hội đầu tư du lịch với những tiềm năng và lợi thế to lớn cho khu vực.
Năm 2021, khu vực Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.với diện tích là 106.600 Hecta cùng với Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. Với cả rừng, bán sa mạc, và biển với đặc điểm là vùng khô hạn độc đáo và hiếm có đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á.
Nguồn: toquoc.vn
Đang gửi...