Ngày 25.10, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã tổ chức cuộc gặp với các thành viên đội tuyển Việt Nam, gồm đầu bếp Vũ Xuân Trường, phụ bếp Nguyễn Quang Tâm, cùng ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hiệp hội Bocuse d’Or Việt Nam, và huấn luyện viên Daniel Nguyễn.
Sân chơi uy tín
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp cho biết, Bocuse d’Or là cuộc thi do đầu bếp huyền thoại của nước này Paul Bocuse thành lập cách đây 37 năm, hai năm tổ chức một lần, và đến nay, “đã trở thành sân chơi uy tín để những đầu bếp tên tuổi đến từ khắp thế giới thể hiện tài năng, sự sáng tạo và niềm đam mê về ẩm thực”.
Với lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết, các đầu bếp Việt Nam đã chứng tỏ được “tài nghệ nấu nướng” của mình, theo bà Pavillon-Grosser.
Đầu bếp Vũ Xuân Trường là cái tên quen thuộc và từng dành thứ hạng cao trong các kỳ thi về món Âu ở Việt Nam. Sinh năm 1994, anh Trường “thấy vui” với chuyện nấu nướng từ những mâm cơm đơn sơ dành cho gia đình ở quê nhà Nam Định.
“Đến giờ, đã chế biến bao nhiêu là món, những món Việt làm tôi thấy tự tin nhất vẫn là các món ăn dân dã lúc trước thường nấu cho bố mẹ, thịt kho, canh cà chua trứng… Khi học cấp 3, tôi đã thường xuyên nấu cho cả nhà. Những món rất quen thuộc thôi, nhưng khi thấy người thân ngon miệng, tôi vui lắm”, chàng đầu bếp trẻ kể với Thanh Niên.
Là “bếp chính” ở nhà, thường xuyên đi chợ, lựa từng con cá tươi, từng miếng thịt ngon cho gia đình, càng lúc, anh càng thích nghề bếp. Học xong phổ thông, anh học ngành hàng hải, nhưng khi tốt nghiệp và đi làm, anh lại dành dụm để vào TP.HCM để tiếp tục với đam mê của mình: theo học một trường chuyên về đào tạo nghề bếp.
“Kết thúc khóa học, người khác làm một nhà hàng thôi, nhưng tôi thì làm hai, ba chỗ vì càng ngày càng thấy đam mê, và muốn được đi làm ở nhiều nơi khác nhau để có dịp học hỏi và trau dồi thêm. Làm từ sáng cho đến tối mịt mà vì thích quá nên tôi quên cả mệt, mình mới vào nghề, chưa hiểu biết nhiều, chưa có kinh nghiệm nên càng có cơ hội được học, càng thấy mừng”, đầu bếp Trường nhắc đến thuở ban đầu thật sự bước vào “nghề nấu nướng”.
Ẩm thực là nghệ thuật, cũng những gia vị đó, nguyên liệu đó, đầu bếp bằng sự sáng tạo của mình, sẽ chế biến thành những món ăn mang dấu ấn cá nhân. “Bạn có thể tìm thấy trên mạng internet hằng hà sa số công thức nấu ăn, và dù theo sát với những gì được hướng dẫn, tôi tin rằng món ăn mỗi người làm ra sẽ vẫn có ít nhiều khác biệt, vì khẩu vị nêm nếm của chúng ta đều khác nhau. Đó chính là sự thú vị của nghề nấu nướng”, anh Trường say sưa nói. Chính vì vậy, khi càng tiếp thu nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, thì niềm vui sáng tạo, khám phá lại càng khiến anh thêm yêu nghề.
Thế mạnh của chàng đầu bếp người Nam Định là vị giác, và cách bày biện, trang trí món ăn. Nhờ vị giác nhạy bén, khi muốn thử nghiệm nấu món mới, hoặc nấu món quen thuộc nhưng với gia vị khác, anh sẽ nấu thử nhiều lần, mỗi lần thay đổi chút ít, sau đó thì tự thưởng thức và tự đánh giá để chọn cách chế biến “vừa miệng” mình nhất: “Rất vui là những món tôi thấy vừa miệng thì đều làm hài lòng các thực khách”.
Tạo điểm nhấn cho ẩm thực Việt Nam
Tham dự vòng loại của Bocuse d’Or ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương, với đề bài “thịt cừu”, anh Trường chọn chủ đề “Lạc Long Quân, Âu Cơ”. Anh đặt làm một khay có hoa văn trống đồng từ làng nghề đúc đồng ở Thanh Hóa để bày biện món ăn. Trong ẩm thực phương Tây, thịt cừu cũng thường được ăn với cà tím nướng mọi hoặc xào với bơ. Để tạo điểm nhấn của ẩm thực Việt, anh chế biến thành cà tím nướng mỡ hành, nêm với nước mắm chua ngọt. Cách kết hợp này được thực khách yêu thích vì làm món ăn đậm đà hơn.
“Cà tím tôi tạo hình thành giống những ngọn núi, một nguyên liệu khác là củ cần thì xếp thành hình giống chiếc thuyền, bên cạnh thịt cừu. Tất cả được bày trên khay hình trống đồng, làm thành chủ đề Lạc Long Quân và Âu Cơ”, kết quả là tác phẩm này đã chinh phục được ban giám khảo để giành vé vào vòng chung kết.
Anh Trường cảm thấy “rất may mắn khi được sự đồng hành của những đầu bếp giỏi và giàu kinh nghiệm” như ông Sakal Phoeung và ông Daniel Nguyễn. Trong quá trình chuẩn bị cho phần thi vòng loại, anh đã được rèn luyện thêm về tay nghề để có thể hướng đến những sân chơi đẳng cấp hơn: “Tôi đã nấu thử món sẽ dự thi cho hai anh Sakal, Daniel, và nhiều anh em trong giới đầu bếp ăn thử, góp ý để hoàn thiện hơn và ra được ‘tác phẩm’ giành thứ hạng cao ở vòng loại châu Á - Thái Bình Dương”.
Ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hiệp hội Bocuse d'Or Việt Nam cho biết đội Việt Nam sẽ đến Lyon khoảng hai tuần trước ngày thi đấu để có sự chuẩn bị tốt. Ông nhận định: "Đây là một cuộc thi có thể nói là danh giá bậc nhất đối với giới đầu bếp, như Thế vận hội hay Cúp Bóng đá Thế giới. Đương nhiên, chúng tôi đến Lyon với tất cả sự hứng khởi khi được tranh tài ở sân chơi đẳng cấp cao này, và mục tiêu sẽ là vào càng sâu càng tốt. Cụ thể hơn là xếp thứ hạng cao so với các đội châu Á - Thái Bình Dương khác cùng có mặt ở Lyon.
Cho đến nay, chưa từng có đại diện nào của châu Á giành cúp vàng hay bạc. Nhật là một đội mạnh, họ thường xuyên dành suất tham dự vòng chung kết, và từng giành cúp đồng năm 2013. Ở vòng chung kết, nếu đội Việt Nam có thể xếp thứ hai trong số các đội châu Á - Thái Bình Dương thì sẽ là một kết quả đáng khích lệ".
Những ứng cử viên cho cúp vàng là Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ và các đội Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển... Những đội này được cấp kinh phí rất lớn để tham gia, và thành viên của đội tuyển dành cả năm để tập luyện.