Thế là lấy miếng thịt bò rã đông. Cầm kéo túm, cắt nguyên chậu lá lốt. Lựa lặt số lá tươi xanh nhất, rửa sạch, xắt nhỏ. Thế là có rổ lá lốt nồng vị đồng nội ngay giữa nhà phố. Còn thịt bò thì xắt miếng vừa ăn. Nấu nước sôi, bỏ thịt vào nấu chín, bỏ tiếp lá lốt vào, nêm mắm nhỉ vừa ăn, thêm tí tiêu.
Vậy là xong nồi canh rau xanh um, thơm nức, nồng quyện mùi lá lốt, thịt bò tươi và nước mắm rin. Kèm thêm chén mắm ớt tỏi nguyên trái, nguyên tép. Húp trước nửa chén nước canh. Gắp thịt bò và lá lốt làm món khô, kèm mắm ớt tỏi. Xong cơm, lại làm tiếp chén canh. Làm tiếp chén cơm nữa là no cành hông. Ai thích thì chan luôn canh lá lốt vào cơm, nuốt dễ trôi. Không muốn cơm thì ăn bún với canh lá lốt.
Lạ một điều, lá lốt ăn sống thì có vị nồng đặc trưng khá đậm nhưng nấu canh thì có vị thơm dịu dàng, nồng thắm. Húp đến đâu, tỉnh người đến đấy. Cơn nóng nực không còn mảy may bốc hỏa trong người. Nếu không sẵn thịt bò thì rau lá lốt có thể nấu với thịt heo, thịt gà, mực, tôm, cá… đều ngon.
Tìm kiếm thông tin trên mạng thì thấy lá lốt giúp tăng cường sức khỏe. Ai chưa có bệnh thì ăn canh rau lá lốt, vừa ngon miệng, vừa nâng đề kháng. Một cách đơn giản, gọn nhẹ, lá lốt là một vị trong nồi canh chua. Lá lốt cuốn thịt nướng thì tuyệt hảo. Nhiều người còn hái lá lốt làm rau ăn sống.
Trồng lá lốt quá dễ. Cứ ngắt mấy nhánh giâm xuống đất, tưới nước đều là lá lốt lên xanh um mát mắt. Còn ở vườn quê thì lá lốt bò lên thoải mái, um tùm. Hạt già rơi xuống lại mọc cây con. Nhiều nhà phải dọn bớt để mấy thứ rau khác có không gian phát triển.