Theo truyền thông Ấn Độ, 4 người đàn ông hiện đã bị bắt vì vụ tấn công được cho là xảy ra vào tối thứ sáu tuần trước ở quận Dumka, bang Jharkhand.
Cảnh sát trưởng Jharkhand Ajay Kumar Singh nói với tờ The Indian Express rằng, các nghi phạm còn lại đã được xác định và sẽ bị bắt sớm.
Nạn nhân 28 tuổi là blogger du lịch bằng xe máy có hơn 200.000 người theo dõi trên Instagram cùng chồng có "nick name" Vuelta al Mundo en Moto (Vòng quanh thế giới bằng xe máy).
Sau vụ việc, cặp đôi Vicente và Fernanda đã quyết định công khai danh tính cho những người theo dõi trong một loạt Instagram Stories vào tối thứ sáu. Họ đã đi tới 66 quốc gia kể từ khi rời Barcelona cách đây 5 năm.
"Điều đó đã xảy ra với chúng tôi mà chúng tôi không mong muốn xảy ra với bất kỳ ai, 7 người đàn ông đã cưỡng hiếp tôi, họ đánh đập và cướp của chúng tôi", nữ du khách chú thích trên một video và cho biết thêm: "Chúng tôi đang ở trong bệnh viện với cảnh sát, chuyện xảy ra tối nay ở Ấn Độ". Cô cũng công bố hình ảnh gương mặt với vết bầm tím và sưng tấy.
Vicente cho hay cả hai đã được đưa đến Trung tâm Y tế Cộng đồng Saraiyahat và nói: "Họ đã đánh chúng tôi. Họ kề dao vào cổ tôi và nói đe dọa sẽ giết tôi...". Bản thân anh bị gãy răng và môi sưng đỏ vì đã bị đánh nhiều lần bằng mũ bảo hiểm.
Sĩ quan cảnh sát Pitamber Singh Kherwar nói với tờ The Times of India rằng người phụ nữ đã đến được xe tuần tra của cảnh sát vào khoảng 23 giờ và được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Cặp đôi vừa kết thúc chuyến đi đến Sri Lanka trước chặng hành trình tới Ấn Độ và đang trên đường đến Nepal qua Bhagalpur.
Vụ tấn công xảy ra sau khi cả hai dừng lại cắm trại qua đêm trong một căn lều gần chợ Hansdiha.
Chính quyền bang cũng đã lên tiếng: "Đây là vụ việc đáng lên án và cảnh sát đang có hành động thích hợp. Thủ phạm sẽ không được tha".
Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Ấn Độ đã liên hệ với chính quyền và cử nhân viên đến khu vực để hỗ trợ cặp đôi, Euronews đưa tin.
Người sáng lập Reduxx Anna Slatz đã chia sẻ video Instagram của Vicente và Fernanda trên X, và đã có 87,5 triệu lượt xem.
Theo dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, trung bình có gần 90 vụ cưỡng hiếp được báo cáo ở Ấn Độ mỗi ngày vào năm 2022. Tuy nhiên, một số lượng lớn không được báo cáo do sự kỳ thị phổ biến đối với nạn nhân và sự thiếu tin tưởng vào cuộc điều tra của cảnh sát. Việc kết án vẫn còn hiếm khi các vụ án bị mắc kẹt trong nhiều năm trong hệ thống tư pháp hình sự tắc nghẽn của Ấn Độ.
Vụ hiếp dâm tập thể và sát hại một sinh viên Ấn Độ đã gây chấn động toàn cầu vào năm 2012. Jyoti Singh, sinh viên vật lý trị liệu 23 tuổi, đã bị 5 người đàn ông và một thiếu niên cưỡng hiếp, hành hung rồi bỏ mặc cho đến chết trên xe buýt ở New Delhi vào tháng 12 năm đó.
Tội ác khủng khiếp này đã thu hút sự chú ý của quốc tế về mức độ bạo lực tình dục cao ở Ấn Độ và gây ra nhiều tuần biểu tình, và cuối cùng là sự thay đổi trong luật đưa ra hình phạt tử hình cho tội hiếp dâm.
Bạo lực tình dục đối với khách du lịch nữ cũng phổ biến một cách đáng lo ngại. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) khuyến cáo du khách nên "hết sức thận trọng" khi đến Ấn Độ.
DFAT cho biết: "Phụ nữ có thể phải đối mặt với mức độ quấy rối bằng lời nói và thể xác hoặc tấn công tình dục ở mức độ cao hơn. Tránh đi du lịch một mình, ngay cả ở các thành phố lớn và các địa điểm du lịch. Rất hiếm khi những người phạm những tội này bị pháp luật truy tố thành công".
Trong một vụ án khét tiếng năm 2018, du khách người Latvia, Liga Skromane, 33 tuổi, đã bị đánh thuốc mê, cưỡng hiếp và chặt đầu trước khi thi thể của cô bị treo ngược trong một khu rừng. Cô đã tới Kerala với hy vọng được điều trị chứng trầm cảm tại một trung tâm yoga nổi tiếng, nhưng đã mất tích vài tuần.