Edinburgh là thủ đô và là thành phố lớn thứ hai của Vương quốc Scotland, nằm ở vị trí phía Đông Nam của Scotland, trên một địa hình đồi núi và có nhiều công trình kiến trúc độc đáo thời Trung cổ gây ấn tượng nhất châu Âu. Với dân số chỉ hơn 500 ngàn người nhưng thành phố có hơn 4.500 tòa nhà được đưa vào danh sách các công trình có tính lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Khu vực phố cổ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1995.
Thành phố được mệnh danh là Athens của phía Bắc sở hữu vô số những điều kì thú, thu hút hàng chục triệu du khách đến đây hàng năm, chỉ xếp sau Luân Đôn. Ngoài những tòa lâu đài nguy nga, huyền bí, những con phố mê hoặc, thứ rượu mạnh whisky nổi tiếng thế giới. Edinburgh còn là thành phố của văn chương, nghệ thuật, lễ hội, kiến trúc, ẩm thực và những lễ nghi truyền thống văn hóa lâu đời…
Một góc thành phố Edinburgh. Nguồn ảnh: Internet
Ở đây hằng năm diễn ra các lễ hội, festival lớn nhất thế giới như festival nghệ thuật biểu diễn, liên hoan phim quốc tế, liên hoan khoa học quốc tế, liên hoan sách quốc tế, liên hoan âm nhạc, liên hoan kể chuyện quốc tế Scotland, lễ hội âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc sắp đặt, những lễ hội rượu bia, đồ ăn chay… Đặc biệt là liên hoan Fringe vinh danh các nền văn hóa nghệ thuật được tổ chức vào tháng 8 hằng năm. Hoạt động này kéo dài suốt 4 tuần với sự tham gia của hơn 50 nghìn nghệ sĩ nổi tiếng khắp các châu lục, 4.000 show diễn ở 300 địa điểm từng được chứng kiến một số hoạt động lễ hội ở đây. Có thể nói Edinburgh là thành phố văn minh của các lễ hội nổi tiếng nhất thế giới, hầu hết các tên tuổi nhà văn, nghệ sĩ lớn trên thế giới, đều ít nhiều từng đã có mặt, hoặc tham dự các hoạt động lễ hội ở đây. Bất kì một ai đến đây, hay chính người dân cũng sẽ bị những tòa nhà những tuyến phố đậm chất Trung cổ mê hoặc. Bởi trong nó chứa đựng những câu chuyện lịch sử, văn hóa xa xưa của vùng đất này.
Thành phố của những người yêu sách, xứ sở của Harry Potter
Edinburgh được giới xuất bản truyền thông xem là thành phố của những người yêu sách, thành phố văn học. Là điểm hội tụ của những người yêu sách và là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà văn, thành phố mà chỗ nào cũng có thể gắn hoặc gợi nhớ tới những khung cảnh độc đáo trong các tác phẩm văn học. Thành phố có hẳn một bảo tàng cho các nhà văn và tượng đài Scott để vinh danh các nhà văn. Chính vì vậy mà từ năm 1983, người ta đã chọn Edinburgh để tổ chức liên hoan sách quốc tế thường niên, liên hoan kể chuyện sách… Và chính nhờ sự kiện này mà Edinburgh được UNESCO công nhận là thành phố văn chương của thế giới vào năm 2004.
Từ những loại sách cổ nhất thế giới, đến các tác phẩm văn học hiện đại, được trưng bày trang trọng trong một không gian đẹp khi thời tiết cho phép. Chúng ta sẽ không thể nghĩ nơi nào có không gian lý tưởng hơn Quảng trường Chariotte được liệt kê trong di sản thế giới. Ngồi đăm chiêu nghe các tác giả, các nhà văn nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới nói về các cuốn sách, cũng như công việc của họ trong hàng loạt các cuộc thảo luận, hội thảo về văn học, biểu diễn, kể chuyện, đọc thơ…
Cũng có thể chúng ta sẽ lựa một cuốn sách nào đó yêu thích, ngồi trên thảm cỏ bên quảng trường nhâm nhi cùng ly rượu mạnh của Scotland… Lễ hội sách thu hút hơn 200 nghìn du khách mỗi kỳ, cùng hơn 800 tác giả, chính trị gia, triết gia, sử gia, nhà khoa học, họa sĩ và những người nổi tiếng. Năm 2019, lễ hội thu hút những cây bút nổi tiếng như Arundhati Roy, Elif ShaFak, Malorie Blackman, nhà thơ Simon Armitage, tác giả chuyên viết cho thiếu nhi nổi tiếng Cressida Cowell, nhà văn người Úc Tim Winton, Thomas Keneally, Tổng thống Ireland Mary Robinson… cùng sự góp mặt của công chúng đến từ 70 quốc gia trên thế giới.
Edinburgh là nguồn cảm hứng vô tận cho những du khách yêu thích sự bí ẩn và huyền bí. Nguồn ảnh: Internet
Tập truyện ngắn đầu tay với 14 truyện lấy cảm hứng từ trải nghiệm của tác giả tại các trại tị nạn ở Syria của nữ nhà văn NayRouz Qarmout cũng là tập truyện bán chạy của hội sách. Bên cạnh lễ hội sách quốc tế hằng năm, mọi người sẽ được trải nghiệm hơn 200 sự kiện văn hóa khác nhau, có những sự kiện lên tới cả hơn 1 vạn giáo viên và học sinh từ khắp Scotland tham gia vào liên hoan với chủ đề “không gian đặc biệt”.
Nhiều độc giả trẻ tuổi nối thành hàng dài tại lễ hội, chờ đợi cả tiếng đồng hồ để có được chữ ký của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Liên hoan sách quốc tế Edinburgh hằng năm chính là một thông điệp quan trọng gửi đến mỗi quốc gia dân tộc. Hãy tôn vinh văn hóa đọc trước kỷ nguyên công nghệ số, tác động của công nghệ nghe, nhìn thứ dễ làm cho con người ta lười biếng, mất dần đi một nét đẹp văn hóa tao nhã - đọc sách và yêu sách.
Nói đến Edinburgh cũng chính là nói tới Scotland nói chung, chúng ta đều biết rằng, nơi đây là xứ sở của những tòa lâu đài kỳ bí và ma quái. Nơi mà nữ nhà văn J.K Rowling đã khởi nguồn cảm hứng cho tác phẩm văn học lừng danh Harry Potter. J.K Rowling đã viết những chương đầu tiên gây sốt toàn thế giới ngay trên tầng 2 trong một quán cà phê nhỏ có cửa sổ nhìn sang lâu đài Edinburgh kỳ bí đầy huyền thoại ma ám. Tác phẩm đứng đầu danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất trong năm 1999, liên tục nằm trong top đầu trong danh sách này trong suốt những năm tiếp theo và đã được dịch ra ít nhất 70 thứ tiếng cũng như được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, thu hút sự quan tâm của hàng triệu khán giả trên toàn thế giới.
Những khung cảnh được nhà văn mô tả trong cuốn sách, từ đường phố đến tòa nhà, thậm chí tên của các nhân vật trong truyện, cũng được thành phố đặc biệt này truyền cảm hứng. Tiếc rằng còn quá nhiều thứ hấp dẫn mà tôi đã vô tình bỏ qua cơ hội thật đáng tiếc. Đó là không ghé thăm lâu đài bản gốc của trường Hogwarts, ngôi mộ của Tom Riddle, hoặc căn phòng khách sạn nơi nữ nhà văn đã hoàn thành chương cuối của tác phẩm. Nhưng thú thực những nơi tôi đến ở đây, đâu đâu cũng gợi nhớ đến Harry Potter nhất là khi đến thăm các tòa lâu đài cổ kính, cái cảm giác ma mãnh luôn ám ảnh níu kéo.
Thành phố của những bảo tàng nghệ thuật danh giá
Có thể nói bên cạnh những tòa lâu đài đồ sộ có kiến trúc độc đáo thời Trung cổ, thì Edinburgh còn là thành phố của những tòa nhà, công trình bảo tàng nghệ thuật hấp dẫn. Trước hết phải kể đến Bảo tàng quốc gia Scotland, có từ năm 1998 giới thiệu tổng thể về lịch sử văn hóa của các vương quốc này từ ngày thành lập đến nay. Với các phòng trưng bày sang trọng về câu chuyện Scotland, về cả các nền văn minh thế giới… Bảo tàng còn dành một không gian quan trọng, giới thiệu về các phòng tranh tiêu biểu trên thế giới, giúp mọi người có cái nhìn khái quát về lịch sử, văn hóa các quốc gia trên thế giới thông qua các tác phẩm hội họa, điêu khắc, trong đó một số các tác phẩm nổi tiếng của các nhà điêu khắc Eduardo Paolozzi, tranh của Margaret Macdonald, bản sao ngôi mộ Nữ hoàng Mary…
Bảo tàng quốc gia Scotland. Nguồn ảnh: Internet
Bảo tàng nghệ thuật đương đại Scotland 2, Bảo tàng Scottish National Gallery of Modern Art Two là những tòa nhà đặc biệt, có màu sắc kinh điển đặc trưng của Scotland cũng như ở Anh Quốc. Phần lớn các tòa nhà công trình kiến trúc, người ta thường để thô và nguyên mẫu gạch hay vật liệu xây dựng mà không dùng sơn như ở các nước châu Á. Nơi trưng bày của bộ sưu tập nghệ thuật đương đại quốc gia Scotland nằm trong một công viên xinh đẹp, bên cạnh dòng sông Water of Leith, ở đây có các tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ lớn như: Hamilton Finlay, Henry Moore, Barbara Hepworth.... Đó là một số Bảo tàng chính, bên cạnh đó thành phố còn có khoảng gần chục các Bảo tàng khác với nhiều bộ sưu tập nghệ thuật quý giá.
Mỗi bảo tàng ở đây luôn thu hút lượng du khách tham quan rất đông. Không chỉ bởi miễn phí vé vào cửa mà nó được trình bày sang trọng, rất cuốn hút, gam màu êm nhẹ và biến đổi rất phù hợp của từng phòng. Đặc biệt, đó là sự quyến rũ của tác phẩm, tôi đã từng quan sát thấy số lượng du khách thường tập trung nhiều ở các gian. Có các tác phẩm điêu khắc, hội họa theo từng phái phục hưng, tả thực… Có thể so sánh với hàng trăm bảo tàng ở Thủ đô Luân Đôn, đặc biệt phòng trưng bày quốc gia – phòng tranh hàng đầu thế giới ở Quảng trường Trafalgar, trung tâm hạt Luân Đôn nơi sở hữu bộ sưu tập hơn 2300 bức tranh có niên đại từ thế kỷ XIII đến năm 1900. Trong đó, có các tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy như Leonardo Da Vinci, Rembrandt tới El Greco và Van Gogh…
Với những hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động ở thành phố không rộng lắm (259km2) chỉ hơn 500 ngàn người này, mà có tới hàng chục bảo tàng nghệ thuật tạo hình, gồm hội họa, hội họa chân dung, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt đương đại cùng hàng trăm địa điểm, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Thì Edinburgh hàng năm đã đón đến hơn 13 triệu khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm thú. Trải nghiệm đặc biệt là chủ nhân của hàng loạt chuỗi các liên hoan nghệ thuật, lễ hội quốc tế đặc sắc, Edinburgh xứng đáng với tên gọi là thành phố của văn chương, nghệ thuật thế giới.