Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái ở xã Bình Thuận, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) có diện tích 110 ha, cách trung tâm TP.Quảng Ngãi theo hướng đông bắc khoảng hơn 40 km. Đây là nơi khá nổi tiếng với hàng triệu cây cóc trắng mọc trên đầm lầy tạo vẻ đẹp hoang sơ. Vào mùa thu cây cóc rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng trông như tuyết phủ. Đặc biệt, nơi đây cũng là nhà của nhiều loại chim, cò, vịt nước và một số loại thủy hải sản. Nét lạ lẫm đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm.
Vẻ đẹp hút hồn của Bàu Cá Cái |
Ông Nguyễn Khương (55 tuổi, trú thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, ông đã gắn bó với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái hơn 30 năm, cũng chính nơi đây là điểm tựa để giúp gia đình ông mưu sinh, nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện ông Khương đang là đội trưởng đội chèo thuyền chở du khách đi tham quan rừng ngập mặn Bàu Cá Cái.
Du khách đến Bàu Cá Cái không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài, như Ấn Độ, Indonesia… Gặp khách “mát tay”, có ngày những người chèo thuyền như ông Khương kiếm từ 400.000 đến 500.000 đồng.
Tháng 4.2022 vừa qua, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã thả cá, tôm, cua trong rừng ngập mặn Bàu Cá Cái và chính quyền địa phương đã cấm đánh bắt thủy sản ở đây. Bị cấm đánh bắt nhưng người dân địa phương đều đồng tình, vì cho rằng chính quyền làm vậy là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch. Nhờ đó, dân cũng được hưởng lợi theo, cuộc sống ổn định hơn so với nghề đánh bắt tôm, cá.
Trước đó, từ năm 2014 ngành chức năng ở Quảng Ngãi triển khai dự án phục hồi rừng ven biển, trong đó đã trồng hàng triệu cây cóc trắng trên diện tích gần 65 ha xung quanh Bàu Cá Cái. Dự án này đã biến Bàu Cá Cái thành khu rừng ngập mặn xanh mướt, hoang sơ và kỳ bí như một miền Tây thu nhỏ ở vùng đất miền Trung đầy nắng và gió.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết ngoài việc được tái tạo nguồn lợi thủy sản, rừng Bàu Cá Cái còn có hàng triệu cây cóc trắng nên thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Bởi vậy, địa phương đang tập trung xây dựng Bàu Cá Cái thành nơi phát triển du lịch cộng đồng.
Theo ông Hiếu, UBND H.Bình Sơn đã phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu xây dựng đề án hỗ trợ nguồn sinh kế ven biển của huyện nhằm hỗ trợ cho các địa phương. Trong đó có các điểm Gành Yến tại xã Bình Hải, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái tại xã Bình Thuận; rừng dừa nước xã Bình Phước và sản phẩm OCOP gốm Mỹ Thiện tại TT.Châu Ổ. Chính vì thế, đây là điểm kích cầu phát triển du lịch cho địa phương nhằm tạo công việc, mang lại thu nhập cho người dân.
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết rừng ngập mặn Bàu Cá Cái không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng, mà địa phương còn có kế hoạch để cánh rừng ngập mặn này mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân như: nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…“UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ làm việc với các ngành, địa phương, tính đến phương án kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp để đảm bảo sinh kế cho người dân, đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững với diện tích rừng ngập mặn ở Bàu Cá Cái”, ông Hiền cho biết thêm.