Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn |
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 16.1 ký ban hành Nghị định số 01.2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH-TT-DL.
Theo đó, về cơ cấu tổ chức, Bộ VH-TT-DL bao gồm các vụ và cục, chẳng hạn Vụ Gia đình, Cục Di sản văn hóa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Thể dục thể thao… Đặc biệt, Tổng cục Du lịch Việt Nam thuộc Bộ VH-TT-DL sẽ đổi tên thành Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, có con dấu hình Quốc huy.
Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL sắp xếp, tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Cục Thể dục thể thao.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20.2.2023, thay thế Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17.7.2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH-TT-DL.
Tổng cục Du lịch Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tiền thân là Công ty Du lịch Việt Nam, ra đời vào 9.7.1960. Năm 1978 Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập, thuộc Hội đồng Chính phủ; đến năm 1991 sáp nhập vào Bộ Thương mại và Du lịch. Tuy nhiên, đến năm 1992 Tổng cục Du lịch trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ và từ năm 2007 đến nay, Tổng cục Du lịch nhập vào Bộ VH-TT-DL.
Tổng cục Du lịch hiện có Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu du lịch… với Tổng cục trưởng là ông Nguyễn Trùng Khánh.
Năm 2022 du lịch Việt Nam đạt 101 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt mức trước đại dịch và 3,6 triệu khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt 23% so kế hoạch năm. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP Việt Nam ngày càng tăng. Nếu năm 2015 đạt 6,3%; 2017 là 7,9% thì qua 2019 đã lên 9,2%.