Trạm Y tế P.14, Q.11 là một trong những trạm đầu tiên đã tiến hành khám sức khỏe cho người cao tuổi vào ngày 10.8. Trong ngày, trạm y tế này đã khám cho khoảng 40 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Để công tác khám sức khỏe được thuận tiện, trạm y tế đã phối hợp với địa phương bố trí khu vực khám thuận tiện cho việc di chuyển của người dân và đảm bảo hoạt động chuyên môn.
Trạm đã bố trí thành nhiều phòng, khu vực khác nhau: khu vực tiếp đón, nộp hồ sơ, khu vực tư vấn, phòng lấy máu xét nghiệm, phòng siêu âm bụng tổng quát, phòng khám tổng quát… Hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi diễn ra khá thuận lợi, phần lớn người cao tuổi rất háo hức đến khám sức khỏe miễn phí. Tất cả dữ liệu khám sức khỏe đều được số hóa để sẵn sàng liên thông vào hồ sơ sức khỏe điện tử.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Ngô Phi Anh, quản lý người cao tuổi tại Trạm Y tế P.14, Q.11 cho biết, đa số người cao tuổi đến khám, tầm soát được phát hiện bệnh tiểu đường, huyết áp. Sau khi khám xong có kết quả thì bệnh nhân được giới thiệu lên bệnh viện quận.
“Một số người trước đó từng khám ở bệnh viện, một số người chưa khám nhưng cũng biết bệnh và mua thuốc uống”, ông Ngô Phi Anh nói.
Theo kế hoạch ban đầu của Sở Y tế, mỗi quận, huyện chọn tối thiểu 1 phường, xã, thị trấn triển khai thí điểm khám sức khỏe người cao tuổi trong tháng 8.2023 nhưng đã có đến 49 đơn vị đăng ký thực hiện. Sở Y tế đề nghị các phường, xã khác vẫn tiếp tục triển khai khám sức khỏe theo kế hoạch của mỗi địa phương đã ban hành từ đầu năm 2023.
Sau khi hoàn tất đợt khám sức khỏe cho người cao tuổi tại 49 phường, xã, thị trấn, Sở Y tế cùng với các Trung tâm y tế tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí cho việc khám sức khỏe toàn bộ người cao tuổi (không phân biệt thường trú hay tạm trú) vào năm 2024 một cách hiệu quả và phù hợp.
Khám sức khỏe cho 1 triệu người cao tuổi
Theo số liệu Công an TP.HCM cung cấp, TP.HCM quản lý hơn 1 triệu (1.055.543) người cao tuổi (từ 60 tuổi).
Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, mỗi người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Kết quả khám sức khỏe được tích hợp và cập nhật vào hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người dân tự quản lý thông tin sức khỏe cá nhân. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở khám chữa bệnh khi người dân đến khám. Cũng từ dữ liệu này, TP.HCM xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật ở TP.HCM để chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nếu triển khai khám sức khỏe tất cả người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM thì tổng kinh phí dự kiến mỗi năm gần 150 tỉ đồng.