Ngân hàng huyết thanh được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất mới và hiện đại, gồm 5 tủ âm sâu (-80 độ C), 3 máy ly tâm lạnh cùng các trang thiết bị khác. Nguồn nhân lực được đào tạo đủ để đáp ứng cho công tác thu nhận, xử lý, lưu trữ và phân phối mẫu, nhất là đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vận hành.
Hiện nay, Ngân hàng huyết thanh được đưa vào hoạt động với sức lưu trữ khoảng từ 400.000 – 450.000 mẫu. Dự kiến trong giai đoạn 2024 – 2030, ngân hàng huyết thanh này sẽ được HCDC đầu tư mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng thêm dung lượng lưu trữ mẫu.
Lập Ngân hàng huyết thanh kiểm soát bệnh truyền nhiễm
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, cho biết Ngân hàng huyết thanh là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm với 4 mục tiêu chính. Đó là dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch; đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng; đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp; khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, HCDC sẽ xây dựng kế hoạch thu thập mẫu định kỳ cho ngân hàng này, có bộ quy trình bảo quản, truy xuất và sử dụng các mẫu phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, HCDC cũng sẽ xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra những định hướng cho những quyết định y tế công cộng.
Trước mắt, HCDC sẽ khai thác nguồn mẫu từ ngân hàng huyết thanh để đánh giá miễn dịch đối với bệnh sởi, bệnh tay chân miệng qua đó dự báo nguy cơ dịch tại TP.HCM. Tương lai, ngân hàng huyết thanh sẽ tiếp tục mở rộng nguồn mẫu và đa dạng hóa các loại mẫu để đáp ứng nhu cầu chủ động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và hướng đến kiểm soát các bệnh tật khác.
Máu có 2 thành phần: hữu hình và vô hình. Sau khi lấy máu ra khỏi cơ thể và tách toàn bộ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) thì phần còn lại là vô hình, gọi là huyết tương (các protein miễn dịch, yếu tố đông máu…). Nếu để huyết tương 1 thời gian thì các yếu tố đông máu sẽ đông lại, phần dung dịch còn lại gọi là huyết thanh, đó là các kháng thể hòa tan và các chất hòa tan khác trong máu.
Quá trình xây dựng Ngân hàng huyết thanh tại HCDC ra sao?
Bác sĩ Hồng Nga cho biết thêm, các hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh thông qua xét nghiệm huyết thanh đã được HCDC triển khai với những quy mô khác nhau, như giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm sốt xuất huyết, giám sát sốt phát ban nghi sởi – rubella, giám sát bệnh do vi rút zika từ nhiều năm trước.
Trong năm 2022, để đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, HCDC đã phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện 3 đợt khảo sát (vào tháng 9.2022, tháng 12.2022 và tháng 3.2023) nhằm thu thập các mẫu huyết thanh từ các mẫu máu xét nghiệm đã thực hiện tại các bệnh viện theo một quy trình lựa chọn mẫu đảm bảo tính đại diện cho các khu vực địa lý, độ tuổi và giới tính.
Kết quả của 3 lần khảo sát cho thấy tỷ lệ lưu hành kháng thể Covid-19 trên người dân TP.HCM cao đồng đều ở cả 4 khu vực địa lý. Tỷ lệ dân số đã có kháng thể kháng Covid-19 ở các nhóm trên 5 tuổi đều trên 90%, thấp nhất là nhóm dưới 5 tuổi cũng đạt trên 70%.
“Việc thu thập mẫu theo một phương pháp chọn lọc và lưu trữ các mẫu huyết thanh còn lại từ các mẫu máu đã tiến hành xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ cho giám sát miễn dịch học các bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn khả khi, thuận tiện và mang tính khoa học cao. Đây chính là những bước ban đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Ngân hàng huyết thanh tại HCDC”, bác sĩ Hồng Nga chia sẻ thêm.