Đang chăm hai con bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Trần Mỹ Xuyên (39 tuổi, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Hai con tôi bị sốt cao đến 38,5 độ từ sáng hôm qua, kèm theo bị lở miệng nên vợ chồng tôi thuê xe từ Tiền Giang lên Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám. Ban đầu, tôi sợ con bị tay chân miệng nhưng khi đến bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh sởi”.
Chị Xuyên cũng cho biết, hai bé đều có triệu chứng nổi ban đỏ ở mặt, lưng, bụng rất nhiều. Cả hai bé đều ăn uống ít hơn và không ngủ được, trước đó hai con của chị từng điều trị bệnh phổi tại bệnh viện.
Con đang hành sốt vì bệnh sởi, chị Lê Thị Ngọc Huyền (33 tuổi, H.Bình Chánh) vừa dỗ con nín khóc vừa chia sẻ: "Con của tôi đã bị bệnh sởi khoảng 5 ngày. Bé bị sốt cao mấy ngày liền, hôm qua bắt đầu nổi ban ở mặt rất nhiều, kèm thêm ho, chảy mũi và đổ ghèn ở mắt. Trước khi đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1, tôi đưa con đi khám bác sĩ ở ngoài thì được chẩn đoán là con bị viêm họng”.
Chị Huyền cho biết thêm, khi bị bệnh sởi, con của chị hầu như không ăn uống được và quấy khóc rất nhiều vào ban đêm. Trước đó, chị đã đăng ký tiêm vắc xin sởi cho con ở một số bệnh viện nhưng được thông báo là hết thuốc. Trong khi đợi có vắc xin thì con chị bị bệnh sởi.
Tại TP.HCM, từ 23.5 - 12.8, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó TP.HCM chiếm 317 ca. Kết quả xét nghiệm có đến 346 ca dương tính bệnh sởi, TP.HCM là 153 ca (chiếm hơn 50%), có 3 ca tử vong tại các bệnh viện.
Tại cuộc họp của Sở Y tế TP.HCM với toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị để rà soát và triển khai công tác phòng chống, kiểm soát bệnh sởi tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho hay thời gian, qua bệnh viện nhận điều trị nhiều ca mắc sởi từ các tỉnh miền Tây và một số quận, huyện trên địa bàn.
Điều này làm bác sĩ Tiến lo rằng việc dồn chung nhiều ca bệnh sởi tại cùng một chỗ có thể dẫn đến quá tải cho bệnh viện. Vì vậy, theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với các ca mắc bệnh sởi nhẹ, thì nên điều trị ở tuyến địa phương, không nhất thiết chuyển lên TP.HCM và các bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện bệnh viện có tổng cộng 52 ca đang điều trị bệnh sởi, trong đó có 8 ca bệnh nặng. Theo bác sĩ trong thời gian tới, số ca bệnh sởi vẫn sẽ tăng, nếu mọi người chủ động tiêm phòng vắc xin sởi và có sự phối hợp giữa các ngành từ giáo dục, y tế đến truyền thông thì có thể ngăn chặn dịch xảy ra.
Sở Y tế TP.HCM cảnh báo mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành 'cầu nối' lây nhiễm cho những người xung quanh. Trong đó, có người lớn chưa được tiêm chủng ngừa sởi trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm vắc xin, thậm chí cả những người đã tiêm ngừa đủ 2 mũi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vắc xin, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.