Đối với trẻ em, dịp Tết chế độ ăn thay đổi, di chuyển nhiều, thời gian biểu thay đổi cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe của trẻ.
Dịp Tết, các gia đình thường dự trữ và sử dụng các loại thực phẩm nhiều năng lượng, chế biến sẵn, trong khi rau, củ quả lại ít khiến chế độ ăn mất cân đối, ảnh hưởng sức khỏe của người lớn cũng như trẻ em trong gia đình.
Việc trẻ ăn nhiều mứt, bánh kẹo, uống nước ngọt… khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại mất cảm giác ngon miệng, dẫn tới chán ăn nếu ăn gần bữa chính. Hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc, mứt và bánh kẹo không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, có thể gây sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
Bên cạnh đó, ngày Tết thường có phong tục đi chúc tết anh em, họ hàng. Trong những ngày này, các bố mẹ thường cho trẻ đi cùng, việc đi lại nhiều có thể khiến bữa ăn và giấc ngủ của trẻ bị đảo lộn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cùng với thời tiết nóng bức ở miền Nam và lạnh giá ở miền Bắc dẫn tới trẻ dễ bị ốm.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong và sau tết, các bậc phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ dịp tết như sau:
Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn gồm: chất bột đường (cơm, bún, phở…), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng…), nhóm chất béo (dầu, mỡ...) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả). Cần chú ý bổ sung rau củ quả hàng ngày vì trong rau quả có nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin và khoáng chất có thể khiến cơ thể giảm khả năng miễn dịch và dễ bị ốm. Ngoài ra, rau quả còn có tác dụng gây thèm ăn, kích thích chức năng tiết dịch của các tuyến tiêu hóa.
Giữ cho thời gian biểu của trẻ đều đặn: cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, đảm bảo trẻ ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, thời gian các bữa ăn không bị chênh lệch so với ngày thường, không để trẻ mất bữa. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt, đặc biệt là thời điểm gần bữa ăn chính. Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ được ngủ ngon, ngủ đủ giấc sẽ phát triển tốt. Ngược lại, nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi hay quấy khóc, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.
Uống đủ nước sạch mỗi ngày: nước là thành phần quan trọng của các tế bào trong cơ thể, là môi trường hoặc dung môi hóa học cho các phản ứng xảy ra trong cơ thể (tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa…), ở trẻ em lượng nước chiếm 2/3 trọng lượng. Thiếu nước có thể khiến trẻ mệt mỏi, uể oải. Nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây, hạn chế các loại nước có ga, nước ngọt và tránh xa rượu, bia.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, ăn chín, uống sôi tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng. Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước...
Khi phải đi xa cần chuẩn bị quần áo đề phòng thời tiết thay đổi: nắng nóng, lạnh... làm trẻ dễ mắc bệnh.
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết sẽ giúp trẻ em và mọi người trong gia đình có sức khỏe tốt để tận hưởng kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, nhiều niềm vui.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...