Những năm gần đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đái tháo đường type 2 trẻ tuổi.
Mới đây, Khoa Thận tiết niệu tiếp nhận một ca bệnh đái tháo đường type 2 chỉ mới 16 tuổi. Bệnh nhân P.T.T. (16 tuổi, trú tại Hà Nội) có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày thì đi khám và được chẩn đoán mắc đái tháo đường.
Bệnh nhân có được điều trị thuốc uống 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên đã chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được thăm khám và kết luận: mắc đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (bệnh nhân cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang. Bệnh nhân được đưa vào điều trị nội trú tại Khoa Thận tiết niệu. Tiền sử gia đình bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động và ngồi tĩnh tại hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.
Sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân đã hết các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đường huyết đã ổn định và đã giảm được 3kg. Bác sĩ điều trị cũng đã hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể lực để cải thiện cân nặng; hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh đái tháo đường - rối loạn chuyển hóa đang gặp phải của bệnh nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian để đạt được HbA1c mục tiêu. Cần kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đường, chứa hàm lượng chất béo bão hòa và mỡ cao. Nên tham khảo và tư vấn chế độ ăn của bác sĩ/chuyên gia dinh dưỡng.
Theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch kiểm soát đường máu. Cần tăng cường vận động, luyện tập ít nhất 30 phút/ngày; với người thừa cân béo phì cần luyện tập nhiều hơn.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...